Ông lớn ngành tiêu dùng nhanh tăng tốc chuyển đổi xanh

tiêu dùng - Ảnh 1.

Chai nhựa tái sinh của Công ty nhựa tái chế Duy Tân hút khách tại Ngày hội Việt Nam Xanh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không còn là xu hướng, phát triển bền vững đang trở thành yếu tố mang tính sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh và duy trì vị thế của doanh nghiệp trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Sức ép kép từ người tiêu dùng và chính sách pháp luật

Theo báo cáo “Who Cares, Who Does?” (tháng 9-2020), trong mỗi 5 USD chi tiêu cho ngành hàng FMCG trên toàn cầu, có đến 1 USD đến từ nhóm người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Đây là nhóm khách hàng “Eco-Active” những người ưu tiên lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

Khảo sát với 80.000 người tiêu dùng năm 2020 tại 19 quốc gia của Kantar cũng cho thấy gần một nửa (46%) cảm thấy bản thân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề môi trường. Xu hướng tiêu dùng xanh không còn là lựa chọn của thiểu số, mà đang dần trở thành chuẩn mực mới.

“Người tiêu dùng hiện nay ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và sữa”, đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp này cũng cho biết các chính sách từ thị trường châu Âu như yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hay quy định về minh bạch chuỗi cung ứng đang tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp xem xét và điều chỉnh toàn diện mô hình vận hành nhằm đáp ứng xu hướng phát triển bền vững

Unilever tập đoàn FMCG hàng đầu cũng ghi nhận xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường và xã hội đang chuyển biến mạnh mẽ.

Ông lớn ngành tiêu dùng nhanh tăng tốc chuyển đổi xanh - Ảnh 2.

Nhiều người tiêu dùng cho hay sống xanh dần “thấm” với thói quen phân loại rác, giảm túi ni lông, ưu tiên sản phẩm xanh – Ảnh: NHẬT XUÂN

Từ góc độ chiến lược, ông Khuất Quang Hưng – giám đốc đối ngoại và truyền thông của Nestlé Việt Nam – khẳng định chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. “Sản xuất xanh không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên mà còn tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh tiêu chuẩn ESG, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) đang được áp dụng nghiêm ngặt tại nhiều thị trường quốc tế. Việc không chủ động chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp Việt khó duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững cũng được ghi nhận rõ trong hệ thống bán lẻ. Ông Huỳnh Thanh Tuấn – giám đốc quản lý chất lượng của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) – cho biết với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, hệ thống siêu thị này đã triển khai nhiều chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh.

“Chúng tôi ghi nhận xu hướng người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh ngày càng rõ nét. Qua nhiều chiến dịch và chương trình truyền thông, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi tích cực, hướng đến lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông Tuấn nói.

Xu hướng tất yếu không thể đảo ngược

Trước sức ép ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp tiêu dùng không chỉ dừng ở tuyên bố chiến lược mà đã chủ động chuyển hóa thành hành động cụ thể, từ đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình đến hoàn thiện chuỗi cung ứng nhằm thích ứng với các yêu cầu ngày càng siết chặt

Friesland Campina Việt Nam cho biết đã đầu tư dài hạn vào hệ thống hơi sử dụng sinh khối và năng lượng mặt trời, đồng thời hợp tác chặt chẽ với nông dân và tổ chức đào tạo nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp. Các sáng kiến này đã được triển khai tại nhiều nhà máy và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

tiêu dùng - Ảnh 3.

Friesland Campina Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời tại điểm làm lạnh sữa tươi – Ảnh: Friesland Campina

Đặc biệt, đại diện FrieslandCampina Việt Nam cho biết từ năm 2019, công ty là một trong những thành viên sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận và tính bền vững trong thu gom, tái chế bao bì sản phẩm. 

FrieslandCampina Việt Nam hiện cũng đang phối hợp chặt chẽ với PRO Việt Nam trong việc triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì theo hướng bài bản, hệ thống và lâu dài.

Unilever cũng không nằm ngoài xu thế. Bà Võ Lương Bình Nguyên – trưởng phòng phát triển bền vững Unilever Việt Nam – cho hay tập đoàn đã đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với trọng tâm là cải tiến sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực bao bì nhựa, nhằm giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao khả năng tái chế.

Ở lĩnh vực tái chế, Duy Tân Recycling cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về đơn hàng. Công ty đã tăng công suất từ 40.000 tấn/năm 2019 lên 60.000 tấn và đặt mục tiêu đạt 100.000 tấn vào năm 2026. 

Ông Lê Anh – giám đốc phát triển bền vững của công ty – nói: “Ngày càng nhiều thương hiệu FMCG ưu tiên sử dụng nhựa tái chế, tạo ra những thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng và cấu trúc sản phẩm”.

Đại diện PRO Việt Nam cho biết số lượng doanh nghiệp tham gia liên minh đã tăng gấp 3 lần từ khi thành lập, đạt 31 thành viên trong năm 2024. Điều này nhấn mạnh ý thức trách nhiệm môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp đã được chú ý hơn, trở thành một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững.

PRO Việt Nam đóng vai trò nền tảng kết nối giữa các bên liên quan: cơ quan quản lý, doanh nghiệp, lực lượng thu gom, cộng đồng,… trong chuỗi tuần hoàn bao bì. Thông qua đó hỗ trợ các thành viên chia sẻ công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm trong việc thực thi hiệu quả quy định EPR, cùng hướng đến tầm nhìn chung vì một Việt Nam Xanh – Sạch – Đẹp.

Rào cản chuyển đổi xanh còn lớn

Dù xu hướng tiêu dùng xanh đang trở thành yêu cầu ngày càng rõ rệt, nhiều doanh nghiệp cho biết quá trình chuyển đổi vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn về nguồn lực và cơ chế hỗ trợ.

Đại diện FrieslandCampina Việt Nam đánh giá rằng chi phí đầu tư lớn, yêu cầu công nghệ cao và thiếu hụt nhân lực chất lượng đang là ba thách thức chính trong quá trình triển khai các giải pháp phát triển bền vững.

Trong khi đó đại diện Nestlé Việt Nam cho rằng dù người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh và kỳ vọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bền vững, khoảng cách giữa “mong muốn” và “hành động” vẫn còn rất lớn.

Điều này khiến không ít doanh nghiệp vẫn nhìn nhận việc chuyển đổi xanh như một “gánh nặng”, thay vì là cơ hội. Việc đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình hay phát triển chuỗi cung ứng bền vững bị xem là chi phí, trong khi chính sách hỗ trợ chuyển đổi còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc các sản phẩm xanh khó cạnh tranh với hàng hóa cùng loại nhưng không được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường.

Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi xanh, đại diện Unilever Việt Nam đề xuất cần có hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì, góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn và tạo đầu ra ổn định cho thị trường tái chế.

Đặc biệt, khung chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) cần được thiết kế linh hoạt hơn, nhằm khuyến khích sáng kiến sáng tạo từ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp xã hội và cả cơ chế tái đầu tư của quỹ nhà nước vào công tác thu gom – xử lý chất thải.

“Chính sách báo cáo EPR cần khả thi và minh bạch. Quỹ EPR thu được nên tái đầu tư vào ngành công nghiệp thu gom và tái chế. Ngoài ra, cần có kế hoạch sử dụng quỹ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phân loại rác thải tại nguồn, cũng như hỗ trợ cả chuỗi thu gom, bao gồm cả những người thu gom phi chính thức” đại diện Unilever Việt Nam cho biết.