Nữ doanh nhân xăng dầu khoe tháng lãi 30 tỉ, cầm sấp sổ đỏ nói ‘anh chọn đi em biếu nhà Sài Gòn’

Nguyễn Lộc An - Ảnh 1.

Cựu vụ phó Nguyễn Lộc An tại phiên tòa sáng 28-5 – Ảnh: GIANG LONG

Trả lời thẩm vấn tại tòa sáng 28-5, cựu vụ phó Nguyễn Lộc An khai đã nhận hơn 14 tỉ đồng để hợp thức các thủ tục có điều kiện cho 2 doanh nghiệp được cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu.

Ông bị cáo buộc biết rõ 2 doanh nghiệp không đủ điều kiện, nhưng vì động cơ cá nhân vẫn nhận tiền để giúp được cấp phép.

Được doanh nghiệp gợi ý “em muốn tặng anh một cái nhà”

Tại tòa, ông An khai đã nhận số tiền như cáo trạng truy tố, nhưng xin kể lại rõ sự việc để tòa xem xét “đó là nhận hối lộ, hay chỉ là món quà bạn bè thân quý tặng nhau”.

Ông trình bày quen với bà Trần Thị Loan Phương (chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt) từ năm 2012 thông qua một người bạn thân cũng là thương nhân xăng dầu. Thời điểm đó, bà Phương “rất hoàn cảnh” đang phải một nách nuôi 2 con.

Ông nói được người bạn nhờ giúp đỡ bà Phương kinh doanh xăng dầu. Ông mách nước cho bà phải thuê lại các cửa hàng xăng dầu kinh doanh nhỏ lẻ trước thì mới đủ điều kiện để làm thương nhân phân phối, xuất nhập khẩu.

Nguyễn Lộc An - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên tòa – Ảnh: GIANG LONG

Sau đó, năm 2013, bà Phương bay ra Hà Nội gặp ông An và trình bày muốn làm kinh doanh xăng dầu. Ông An giới thiệu cho bà Phương mua cây xăng đầu tiên để ra làm bán lẻ.

Năm 2015, ông An tiếp tục giới thiệu cho bà Phương mua 3 cửa hàng ở Bến Tre. Một cây xăng như vậy giá khoảng 5-7 tỉ đồng.

Sau khi được giúp đỡ, bà Phương gặp ông An ở nhà khách Bộ Công Thương có đưa túi quà và nói “em không có gì, chỉ có áo sơ mi biếu anh”.

Ông An khai mở túi quà thấy bên trong đó có 200 triệu đồng, khi hỏi lại thì bà Phương có nói “nhờ anh mua chút quà cho gia đình”. “Tôi nghĩ anh em thân tình nên nhận”, ông An khai tại tòa.

Tiếp tục khai, ông An cho biết mối quan hệ với bà Phương dần thân thiết hơn, và nữ doanh nhân nhờ ông giúp đỡ để xin được giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Ông trình bày dù mới chỉ kinh doanh phân phối nhưng doanh nghiệp của bà Phương làm ăn rất khởi sắc. Nữ doanh nhân này khoe với ông “có tháng lãi 30 tỉ đồng” và “muốn tặng anh một cái nhà”.

Trước bục khai báo, ông An xòe hai tay ra mô tả trong một bữa ăn vào năm 2017, có bà Phương và em trai (bị cáo Trần Trác Việt Đức), nữ doanh nhân này cầm một tập sổ đỏ bảo “em cho anh chọn, em biếu anh cái nhà Sài Gòn”.

Ông khẳng định đã từ chối với đề nghị trên. Song ông kể với bà Phương đang có ý định đổi nhà to hơn nhưng “không đủ lực”. Liền sau đó nữ doanh nhân nói với vụ phó “em giúp anh 10 tỉ đồng”.

“Bị cáo nói với bà Phương là chỉ cần 9 tỉ đồng thôi, trong đó anh vay em 4 tỉ đồng còn anh xin 5 tỉ đồng”, ông An khai tại tòa.

Bà đã chỉ đạo cấp dưới 2 lần chuyển 9 tỉ đồng vào tài khoản của vợ ông An với nội dung “Mua dat” và “Mua dat lan 2”.

Sau khi chuyển tiền cho ông An, đầu năm 2016 bà Phương giao cho cấp dưới làm thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên do chưa đủ điều kiện nên ông An hướng dẫn hợp thức các điều kiện cấp phép. Được ông An giúp đỡ, năm 2016 Công ty Bách Khoa Việt đã được cấp giấy phép.

Doanh nghiệp này sau đó có vi phạm trong việc trích lập, chi sử dụng, hạch toán quỹ bình ổn giá xăng dầu. Kết quả điều tra xác định Công ty Bách Khoa Việt phải nộp hơn 107 tỉ đồng vào ngân sách, nhưng đến nay mới nộp 1,6 tỉ đồng và còn “nợ” hơn 105 tỉ đồng.

Các bị cáo an ủi nhau: “Tôi có tội với ông”

Người thứ hai được ông An “gợi ý” hỗ trợ tiền để đổi sang nhà to hơn là ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, cựu chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng.

Tại tòa, ông An phân trần có mối quan hệ bạn bè “con chấy căn đôi” với Quỳnh nên việc cả hai vướng lao lý là sự việc “đau lòng”.

Cựu vụ phó kể từng học cùng rồi cùng làm doanh nghiệp nhà nước với ông Quỳnh nên rất thân thiết. Năm 2015, ông An là người giới thiệu cho ông Quỳnh mua một hệ thống xăng dầu, chính thức vươn ra phía Bắc.

Nguyễn Lộc An - Ảnh 3.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa – Ảnh: GIANG LONG

Ông Quỳnh từng dẫn vụ phó đi chơi xem đất, gợi ý tặng mảnh đất nhưng bị cáo từ chối. Song giống như từng “tâm sự” với bà Phương, ông An cũng kể với bạn rằng đang muốn đổi nhà to mà thiếu tiền.

Quỳnh bảo “ông lấy đi, thiếu bao nhiêu tôi hỗ trợ ông”. Ông An khai chỉ lấy 5 tỉ đồng còn 5 tỉ đồng thì vay.

Khi nhận tiền, ông An đưa số tài khoản của vợ, “vợ tôi chỉ nghĩ đó là vay mượn”, không biết chuyện nhận hối lộ.

“Cái biệt thự đó tổng bao nhiêu tiền mà bị cáo hỏi nhiều chỗ thế”, chủ tọa đặt vấn đề.

Cựu vụ phó khai mua biệt thự với giá “nét” là 35 tỉ đồng, vợ chồng ông có 15 tỉ đồng còn lại là vay mượn của em trai và nhận tiền từ 2 doanh nghiệp.

Ông Quỳnh bị đưa ra xét xử tội đưa hối lộ. Ông ngồi xe lăn, trình bày từng hai lần thay thận do suy thận mãn tĩnh đang điều trị chống đào thải sau phẫu thuật, phải tiêm thuốc hằng ngày.

Ông bật khóc khai chỉ nhận thức “bạn bè cho nhau mượn tiền”, vì trước đây khó khăn từng được ông An giúp đỡ.

Thấy ông Quỳnh khóc, ông An quay sang vỗ tay vào vai và nói nhỏ “tôi có tội với ông”.

Về việc vay mượn mà không viết giấy, ông Quỳnh nói rằng là bạn bè rất thân nên không nghĩ chuyện viết giấy. Tuy nhiên ông Quỳnh cũng thừa nhận hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật và xin tòa khoan hồng.

Trong phần xét hỏi các bị cáo, chủ tọa đều đặt vấn đề về trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại chung của vụ án là 250 tỉ đồng.

“Các bị cáo nghĩ xem, người dân gò lưng ra đóng thuế nhưng thất thoát trong vụ án 105 tỉ đồng quỹ bình ổn giá và 145 tỉ đồng quỹ bảo vệ môi trường là thất thoát rất lớn. Các bị cáo phải hết sức lưu ý, đây không phải số tiền nhỏ đâu mà số tiền rất lớn.

Các bị cáo phải suy nghĩ xem trách nhiệm của mình đến đâu, nghĩa vụ gì đối với việc đã nhận hối lộ và cấp phép cho doanh nghiệp chưa đủ điều kiện như thế, để họ gây ra hậu quả lớn thế”, chủ tọa Đặng Mạnh Cẩm Yến phân tích.