Những ngôi nhà ‘nhiễm mùi tử thần’ ở Nhật trở nên hấp dẫn khi giá bất động sản tăng vọt

Những ngôi nhà 'nhiễm mùi tử thần' ở Nhật trở nên hấp dẫn khi giá bất động sản tăng vọt - Ảnh 1.

Một công nhân đang dọn dẹp tại một bất động sản được phân loại là “jiko bukken” ở Ichikawa, gần Tokyo, Nhật Bản, ngày 2-6-2025 – Ảnh: REUTERS

Trao đổi với Hãng tin Reuters, Kazutoshi Kodama, người thành lập Công ty Kachimode cách đây ba năm để cung cấp dịch vụ điều tra về… ma cho những người mua và người thuê nhà tiềm năng, cho biết: “Trước đây việc tìm người thuê nhà hầu như không thể”.

Nhưng với giá bất động sản tăng cao, mọi người bắt đầu cân nhắc đến những “bất động sản xui xẻo/kém may mắn như một lựa chọn”.

Nhà được cấp giấy xác nhận… không có ma

Ở Nhật Bản, những ngôi nhà xảy ra án mạng hoặc có người tự tử được phân loại là “jiko bukken” hay “bất động sản không may mắn”, có thể gây ra vấn đề về mặt tâm lý cho chủ sở hữu hoặc người thuê nhà mới.

Tương tự như vậy là những ngôi nhà có người chết lâu ngày không được phát hiện.

Kodama cho biết ông đã ở một ngôi nhà nằm trong khu dân cư yên tĩnh ở Chiba gần Tokyo từ 10h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau gần 20 lần. Đồng thời theo dõi nhà bằng bốn camera video, một camera nhiệt, một máy đo trường điện từ, một máy đo áp suất không khí, một nhiệt kế và một máy ghi âm IC.

Ông ghi chép lại các số liệu đọc được mỗi giờ. Khi chắc chắn rằng không có hiện tượng huyền bí nào như nhiễu điện từ không giải thích được, ông sẽ cấp giấy chứng nhận xác nhận tài sản… không có ma.

Kazutoshi Kodama đã thực hiện hơn 70 cuộc điều tra và chỉ một phần nhỏ phát hiện ra các hiện tượng như nhiễu điện từ.

Giá bất động sản tại Nhật Bản tăng vọt do chi phí vật liệu xây dựng và nhân công tăng cao cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào do đồng yen yếu và giá bất động sản địa phương tương đối rẻ.

Ở Tokyo, giá bất động sản tại 23 quận đã tăng hơn 1/3 vào tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 100,9 triệu yen, khoảng 697.000 USD.

Một xã hội cũ hơn, cô đơn hơn

Dân số Nhật Bản già đi nhanh chóng ngày càng dẫn đến nhiều ca tử vong trong cô đơn hơn. Báo cáo đầu tiên của cơ quan chính sách quốc gia về vấn đề này cho biết có gần 21.900 trường hợp tử vong không được phát hiện trong tám ngày hoặc hơn vào năm ngoái.

Năm 2021, chính quyền trung ương đã ban hành hướng dẫn: ba năm sau khi có người qua đời, các ngôi nhà có thể xóa bỏ nhãn hiệu “bất hạnh”. Điều này giúp việc tìm người thuê nhà dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy các công ty môi giới tìm cách tận dụng thị trường mới nổi.

Họ nói rằng một số người trẻ tuổi đã trở nên cởi mở hơn với việc sống trong những căn nhà không may mắn, trong khi cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều người Trung Quốc, đều bị thu hút bởi tiềm năng lợi nhuận cao.

“Các nhà đầu tư không quan tâm về lịch sử của bất động sản vì họ sẽ không sống ở đó” – Akira Ookuma, người sáng lập Công ty môi giới Happy Planning, cho biết và nói thêm rằng một số nhà đầu tư sẽ tăng tiền thuê sau ba năm.

MarksLife, công ty cung cấp dịch vụ cho những bất động sản không may mắn như nghi lễ cầu siêu do một nhà sư Phật giáo thực hiện, cho biết những bất động sản công ty xử lý có mức lợi nhuận đầu tư trung bình 8,4%.

Ngược lại, theo khảo sát của CBRE, một căn hộ studio ở trung tâm Tokyo có mức lợi nhuận trung bình dự kiến 3,55%.

Các nhà môi giới bất động sản cho biết số lượng bất động sản kém may mắn ở Nhật Bản sẽ ngày càng tăng.

Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia ước tính những người từ 65 tuổi trở lên sống một mình hiện chiếm 14% tổng số hộ gia đình tại Nhật Bản. Nhưng trong 20 năm nữa, họ sẽ chiếm tỉ lệ 1/5.