Nhu cầu vàng của Việt Nam giảm mạnh trong quý I

Giá tăng kỷ lục khiến nhu cầu mua và đầu tư vàng tại Việt Nam giảm 15% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý I đạt gần 413.334 lượng (tương đương 15,5 tấn), giảm 15% so với cùng kỳ 2024. Tính ở khu vực châu Á, mức giảm trên chỉ xếp sau Sri Lanka và Trung Quốc.

Trong đó, nhu cầu đầu tư vàng thỏi, vàng miếng của Việt Nam khoảng 12 tấn, cũng giảm 15%. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận nhu cầu suy giảm với loại vàng này.

Theo WGC, tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nước đã đẩy phí bảo hiểm (premium) lên cao. Đây là lý do làm giảm nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Phí bảo hiểm là khoản chi phí bổ sung mà các doanh nghiệp kinh doanh thêm vào để trang trải chi phí của họ hoặc có thể kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, WGC còn cho rằng giá vàng tăng cao đã tác động đến khả năng chi trả của người Việt với kim loại quý này.

Ngoài ra, nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong quý I cũng giảm 15% về 3,5 tấn. Đây cũng là xu hướng chung của khu vực và thế giới khi giá lên cao kỷ lục. Như tại Singapore, tiêu thụ loại vàng này giảm 20%, tương đương Thái Lan, với 2,7 tấn.

3 tháng đầu năm, giá vàng miếng và nhẫn tròn trơn tại Việt Nam đã tăng khoảng 20% lên lần lượt 101,5 triệu và 100,8 triệu đồng mỗi lượng. Tình trạng khan hiếm xuất hiện khi người dân có tâm lý mua nắm giữ, hạn chế bán ra thị trường.

Nhu cầu với kim loại quý suy giảm cũng được PNJ – doanh nghiệp bán vàng duy nhất trên sàn chứng khoán – nhìn nhận ở phiên họp thường niên gần đây. Trong dịp Lễ tình nhân (Valentine 14/2) và Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), giá trị giao dịch tăng nhưng doanh số lại giảm. Trước đó, ở dịp vía Thần tài đầu năm, không khí giao dịch “buồn” hơn hẳn mọi năm ở cả chiều mua lẫn bán. PNJ đạt doanh số tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ các mặt hàng có hàm lượng vàng thấp, biên lợi nhuận cao hơn, thay vì bán vàng miếng.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng vàng tăng giá quá nhanh làm sức mua giảm. Bởi giá các sản phẩm dâng cao trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh tương ứng. Người tiêu dùng trước đây có ngân sách 5-7 triệu đồng có thể mua món trang sức một chỉ vàng, trong khi hiện tại là điều không thể.

Bên cạnh đó, giá kim loại quý tăng nhanh còn làm cho tâm lý người tiêu dùng chỉ muốn mua rồi cất giữ, chưa bán ra nên nguồn cung vãng lai bị suy giảm. Ngoài ra, việc giao dịch vàng hiện có nhiều bước kiểm tra, xác thực nên cũng làm giảm tỷ lệ người mua và bán.





Vàng nhẫn trơn bán tại một tiệm kim hoàn ở quận Bình Thạnh (TP HCM), tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Vàng nhẫn trơn bán tại một tiệm kim hoàn ở quận Bình Thạnh (TP HCM), tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhu cầu trú ẩn an toàn bằng vàng được xem như một hàng rào chống lại lạm phát. Theo WGC, sự mất giá của tiền tệ và rủi ro địa chính trị đã thúc đẩy đầu tư vàng miếng, thỏi của các nước khác trong Đông Nam Á. Tại Thái Lan, kỳ vọng tích cực về giá kích thích nhu cầu đầu tư kim loại quý của các nhà đầu tư, mặc dù lực cầu giảm một nửa so với quý IV/2024 – thời điểm giá tăng mạnh, thu hút hoạt động chốt lời.

Riêng với vàng trang sức, tại một số thị trường, nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực thích ứng khi nhu cầu người tiêu dùng thay đổi. Chẳng hạn ở Malaysia, các thợ kim hoàn đưa ra ưu đãi cho người tiêu dùng như đổi đồ trang sức cũ lấy mới, để hỗ trợ doanh thu bán hàng và duy trì sự quan tâm đến sản phẩm vàng này.

Tất Đạt