Nhiều đại gia bất động sản lãi ngàn tỉ, một số vẫn khó khăn

bất động sản - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán dồn dập công bố báo cáo tài chính – Ảnh: BÔNG MAI

Loạt tỉ phú đón lợi nhuận khởi sắc

Căn cứ báo cáo tài chính quý đầu năm 2025, Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM) tiếp tục dẫn đầu trong khối doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với doanh thu gần 15.700 tỉ đồng. Trừ các chi phí, “ông lớn” này còn lại lợi nhuận ròng sau thuế hơn 2.650 tỉ đồng, tăng 193% so với cùng kỳ năm liền trước.

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng đạt kết quả ấn tượng với doanh thu vượt 84.050 tỉ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 2.240 tỉ đồng (+68%).

Ngoài kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp do tỉ phú Phạm Nhật Vượng giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị cũng đang dồn lực cho lĩnh vực xe điện.

Chung mảng bất động sản, cả Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cũng ghi nhận kết quả khá tích cực trong quý đầu năm nay.

Cụ thể, KBC đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỉ đồng, nhờ vào các dự án khu công nghiệp và khu đô thị tại Bắc Ninh và Hải Dương. Doanh nghiệp do đại gia Đặng Thành Tâm vận hành tiếp tục mở rộng diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất và đầu tư của các doanh nghiệp thuê mặt bằng, thuê/xây dựng nhà xưởng.

Thấp hơn một số đối thủ, Nam Long gặt hái khoảng 1.200 tỉ đồng doanh thu và 120 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm. Dù vậy, kết quả này cũng đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn của thị trường chung. Công ty thực hiện chiến lược phát triển các dự án nhà ở bình dân và trung cấp, nhắm đến khách hàng tại TP.HCM và các khu vực lân cận.

Song song đó, đại gia Đất Xanh (DXG) cũng ghi nhận mức doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỉ đồng, tăng đáng kể. Những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế tăng bao gồm: Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (SGI), Đạt Phương, Long Hậu, Khang Điền, Sonadezi Châu Đức, Viglacera…

“Bão” chưa tan hẳn ở nhiều doanh nghiệp lớn

Không phải tất cả các “ông lớn” đều ghi nhận lợi nhuận tốt. Quý đầu năm 2025, Tập đoàn Novaland (NVL) gặt hái doanh thu thuần gần 1.780 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Do chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp cao, kèm theo khoản lỗ khác, nên sau cùng doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng sau thuế 476 tỉ đồng. Dù “bão” chưa tan hẳn, nhưng so với giai đoạn trước, tình hình ở doanh nghiệp địa ốc này vẫn có phần cải thiện.

Tổng tài sản của Novaland tính đến hết quý vừa qua đạt hơn 234.800 tỉ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm gần 64%. Doanh nghiệp gánh khoản nợ phải trả khoảng 186.000 tỉ đồng, bao gồm hơn 59.000 tỉ đồng nợ vay.

Tương tự, Sunshine Homes (SSH) gặp phải tình hình không mấy khả quan, doanh thu đạt gần 187 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ cán mốc trên 7,3 tỉ đồng trong quý vừa qua, giảm lần lượt gần 17% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính đến từ giá vốn tăng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay tăng.

Dù vậy, Sunshine Homes vẫn đặt mục tiêu năm 2025 đạt 4.000 tỉ đồng doanh thu (tăng 36% so với 2024) và lợi nhuận trước thuế 500 tỉ đồng. Để đạt kế hoạch, công ty cần kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng bị thua lỗ trong quý đầu năm, điển hình gồm: DIC Group, OGC Group, Vinahud…

Áp lực đáo hạn trái phiếu

Theo thống kê từ Chứng khoán VNDirect, năm 2025, nhóm bất động sản chịu áp lực lớn từ nợ trái phiếu doanh nghiệp, với hơn 130.000 tỉ đồng đáo hạn, chiếm 64% tổng giá trị toàn thị trường. Đáng chú ý, 43% trong số này (56.000 tỉ đồng) đã được gia hạn trước đó, cho thấy áp lực tài chính gia tăng.

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, nhóm bất động sản vẫn đối mặt thách thức về niềm tin nhà đầu tư và rủi ro chậm thanh toán.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo thị trường bất động sản khởi sắc từ quý 2-2025 với nhiều thông tin tích cực, nhưng vẫn còn rủi ro về sức khỏe tài chính của chủ đầu tư.