Nhiều cựu lãnh đạo địa phương ‘tha hóa, biến chất, sa ngã’ bị ông chủ Phúc Sơn thao túng

Hoàng Thị Thúy Lan - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu cùng các bị cáo nghe tòa tuyên án sáng 11-7 – Ảnh: GIANG LONG

Sáng nay (11-7), bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũ) bị hội đồng xét xử tuyên phạt 14 năm tù về tội nhận hối lộ.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan lãnh mức án cao nhất trong nhóm tội nhận hối lộ

Bà Lan lãnh mức án cao nhất trong nhóm cựu lãnh đạo Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi về tội nhận hối lộ. Cựu nữ bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ và 1 triệu USD từ Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn).

Sáng nay, bà Lan mặc áo sơ mi trắng, quần tối màu sơ vin, đeo khẩu trang ngồi ở góc phải hàng ghế bị cáo và cúi đầu suốt quá trình hội đồng xét xử công bố bản án.

Vĩnh Phúc cũng là địa phương có số cựu lãnh đạo, cán bộ bị đưa ra xét xử nhiều nhất trong vụ án này với 15 bị cáo. Trong đó một số người được hưởng án treo, còn lại bị tuyên mức thấp là 3 năm tù, mức cao nhất là ông Lê Duy Thành (cựu chủ tịch tỉnh) lãnh 12 năm tù.

Hoàng Thị Thúy Lan - Ảnh 2.

Chủ tọa Trần Nam Hà công bố bản án tuyên phạt các bị cáo sáng 11-7 – Ảnh: GIANG LONG

Nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bị tòa tuyên từ 7 năm đến 8 năm tù về tội nhận hối lộ. Trong đó cựu bí thư tỉnh Lê Viết Chữ lãnh 7 năm tù.

Hai cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ông Ngô Đức Vượng (cựu bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ), Nguyễn Doãn Khánh (cựu chủ tịch, cựu bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) cùng bị tuyên 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông chủ Phúc Sơn lãnh mức án cao nhất trong 41 người bị đưa ra xét xử, tổng hợp hình phạt Nguyễn Văn Hậu bị tòa tuyên 30 năm tù về 3 tội danh.

Theo đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) 14 năm tù về tội đưa hối lộ, 7 năm tù về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 9 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước

Công bố bản án, hội đồng xét xử đánh đánh giá vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo cũng bị đánh giá rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi của các bị cáo còn xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan, gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Từ đó gây ra sự không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đến việc huy động các nguồn lực xã hội.

Hoàng Thị Thúy Lan - Ảnh 3.

Cựu bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ được dẫn giải rời tòa trưa 11-7 sau khi tòa tuyên án. Ông bị tòa tuyên 7 năm tù – Ảnh: GIANG LONG

Hành vi của các bị cáo bị đánh giá gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội và là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nguyên là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh… và “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ở từng địa phương”, bản án nêu.

Một số dự án do Nguyễn Văn Hậu thực hiện thì tính chất, mức độ, hậu quả, thiệt hại của hành vi có khác nhau, có thể trực tiếp, có thể gián tiếp. Nhưng hành vi của bị cáo này là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo khác thực hiện các hành vi sai phạm.

“Hành vi của mỗi bị cáo là một mắt xích, một khâu, đoạn trong chuỗi các hành vi phạm tội gây ra hậu quả, thiệt hại.

Do đó, việc khởi tố, truy tố và đưa các bị cáo ra xét xử, áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo, ở từng tội danh, dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của các bị cáo là cần thiết nhằm xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội”, bản án nêu.

Thao túng, làm tha hóa nhiều cựu lãnh đạo tỉnh

Về các tình tiết giảm nhẹ, tòa sơ thẩm “đánh giá cao” việc các bị cáo có nhận thức tích cực, hợp tác với cơ quan điều tra, đặc biệt là Nguyễn Văn Hậu, các bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và bị cáo Đặng Trung Hoành.

Theo hội đồng xét xử, sự hợp tác tích cực của chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị cáo góp phần giúp làm sáng tỏ vụ án.

Hoàng Thị Thúy Lan - Ảnh 4.

Các bị cáo được dẫn giải rời tòa trưa 11-7 sau khi nghe tuyên án – Ảnh: GIANG LONG

Tòa cấp sơ thẩm ghi nhận một số người là cựu lãnh đạo, cán bộ địa phương có nhiều thành tích công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen, có đóng góp với sự phát triển địa phương, gia đình có công, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện và được nhiều người dân, đơn vị có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong 41 người bị đưa ra xét xử có 15 người tuổi cao, một số bị cáo là phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

Phân hóa hành vi từng bị cáo, hội đồng xét xử nhận định một số người là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, phục tùng, phạm tội với vai trò thứ yếu không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít.

Cân nhắc giữa công và tội của các bị cáo, tòa cấp sơ thẩm đưa ra mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và khung hình phạt liền kề đối với tất cả các bị cáo, trừ tội đưa hối lộ của Nguyễn Văn Hậu.

“Hậu phải chịu trách nhiệm chính trong các hành vi phạm tội dù bị cáo đã thành khẩn, rất tích cực khắc phục hậu quả nhưng sai phạm của bị cáo đã thao túng, làm tha hóa, biến chất, sa ngã nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của nhiều địa phương, nên cần phải nghiêm trị”, bản án nêu.

Theo cáo buộc, ông Hậu đã chi 132 tỉ hối lộ cho các bị cáo là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi.

Đối với các khoản tiền nhận hối lộ hoặc hưởng lợi trái phép, tòa buộc nộp lại toàn bộ xung công quỹ, xác nhận các bị cáo đã nộp lại đủ 132 tỉ đồng.

Hoàng Thị Thúy Lan - Ảnh 5.

Nhiều người thân đứng chờ từ sáng để chạy theo xe bị cáo nói với theo những lời động viên trưa 11-7 – Ảnh: GIANG LONG

Đối với thiệt hại vụ án được kết luận là 1.164 tỉ đồng, về nguyên tắc các bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội và gây ra hậu quả thiệt hại thì phải liên đới bồi thường khắc phục.

Tuy nhiên thực tế Hậu là người trực tiếp hưởng lợi và sử dụng toàn bộ tiền trên, nên hội đồng xét xử buộc ông chủ Phúc Sơn phải nộp toàn bộ.

Bản án ghi nhận, đến nay ông Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn cũng một số bị cáo đã nộp khắc phục 1.174 tỉ đồng, thừa so với nghĩa vụ phải thực hiện, chưa tính đến 501 cây vàng đã thu giữ của Hậu.

Từ đó, tòa án tuyên gỡ bỏ biện pháp hạn chế, gỡ bỏ lệnh kê biên đối với tài sản gồm vàng, bất động sản, giấy tờ nhà đất… của các bị cáo và người liên quan đã bị thu giữ, kê biên, phong tỏa, cấm giao dịch chuyển nhượng trong quá trình điều tra.