Nhiều cách làm hay ở các trung tâm hành chính TP HCM sau sáp nhập

Ngồi chờ làm thủ tục hành chính tại phường Tân Đông Hiệp, anh Hiệp bất ngờ khi được mời dùng trứng luộc, mì tôm, cà phê… miễn phí; robot lễ tân ở Thủ Đức cũng giúp người dân thuận tiện hơn.

“Quầy người dân tự phục vụ” – tấm bảng nhỏ đặt ngay lối vào trung tâm – là nơi bày sẵn đồ ăn nhẹ, bình nước nóng lạnh, dụng cụ dùng một lần và bộ bàn trà với ấm chè xanh dành cho người dân lót dạ khi đến làm thủ tục hành chính chưa kịp ăn sáng hoặc chờ đợi lâu.

Anh Hiệp, nhà ở phường Phước Long, cách đó gần 15 km, đi từ sớm để làm thủ tục xóa thế chấp nhưng bị kẹt xe. Khi đến nơi, nhiều người đã xếp hàng chờ ở quầy nhà đất. “Là người làm dịch vụ, đi nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tôi thấy chính quyền chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho người dân đến làm thủ tục”, anh Hiệp nói.





Anh Vũ Hiệp bên bàn trà, bánh được chuẩn bị sẵn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Đông Hiệp, ngày 22/7. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Vũ Hiệp bên bàn trà, bánh được chuẩn bị sẵn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Đông Hiệp, ngày 22/7. Ảnh: Lê Tuyết

Tân Đông Hiệp là một trong 10 phường thuộc khu vực Bình Dương cũ được sáp nhập về TP HCM, hiện triển khai phục vụ người dân bằng đồ ăn nhẹ tại trung tâm hành chính.

Theo ông Võ Thanh Bình, Phó giám đốc trung tâm, mô hình được thử nghiệm từ ngày 9/6 và duy trì sau khi đưa vào vận hành chính thức từ 1/7. Phường có diện tích hơn 21 km2, dân số trên 100.000 người, nhiều thủ tục hành chính mới, cán bộ chưa thuần thục quy trình, người dân ở xa, có người dẫn theo trẻ nhỏ… nên việc tạo không khí thân thiện là điều cần thiết.

Nguồn chi phí được xã hội hóa, mỗi ngày khoảng 400.000 đồng. “Kinh phí không lớn nhưng hiệu quả rõ rệt. Người dân thấy chính quyền thân thiện, chu đáo, giảm căng thẳng khi làm thủ tục”, ông Bình nói.

Từ 1/7, cùng với việc bỏ cấp huyện, các đơn vị hành chính cơ sở cũng được sắp xếp lại. Quy mô diện tích, dân số phường, xã gấp 3-4 lần so với trước nên khối lượng công việc của cán bộ viên chức ở các trung tâm hành chính cũng nhiều hơn.

Cách đó gần 20 km, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Nhuận, bà Thùy Trang, 57 tuổi, được một sinh viên hỗ trợ kê khai trích lục khai sinh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sinh viên Lê Khánh, 20 tuổi, Đại học Tài chính -Marketing, hướng dẫn bà thao tác trực tuyến, sử dụng VNeID, quét mã QR, thanh toán online…





Lê Khánh (giữa) và cán bộ Trung tâm hành chính công phường Phú Nhuận, hỗ trợ bà Trang nhập thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia, ngày 23/7. Ảnh: Lê Tuyết

Lê Khánh (giữa) và cán bộ Trung tâm hành chính công phường Phú Nhuận, hỗ trợ bà Trang nhập thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia, ngày 23/7. Ảnh: Lê Tuyết

Trong buổi sáng, Khánh đã giúp bốn người dân, phần lớn là người lớn tuổi chưa quen công nghệ hoặc thông tin giấy tờ chưa cập nhật. “Tôi không biết dùng máy tính, được các cháu giúp tận tình nên vui lắm”, bà Trang nói sau khi hoàn tất thủ tục.

Phường Phú Nhuận hiện bố trí 3 bàn hỗ trợ trực tuyến với 3-5 tình nguyện viên thường trực, cùng một cán bộ chuyên môn. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận 200-300 hồ sơ, phần lớn là thủ tục hộ tịch, chứng thực, bảo trợ xã hội. Nhiều hồ sơ yêu cầu thực hiện trên nền tảng số, trong khi không ít người dân, nhất là người già, gặp khó khăn. Ngoài hỗ trợ tại trung tâm, phường đang lập tổ công nghệ số tại các khu phố, bố trí máy tính, tình nguyện viên hỗ trợ tận nơi cho người không có thiết bị hoặc không biết thao tác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trâm, Phó giám đốc trung tâm, cho biết việc triển khai mô hình này không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian mà còn giúp cơ quan hành chính vận hành hiệu quả hơn, giảm áp lực tiếp nhận trực tiếp tại phường.

Theo ghi nhận, sau ba tuần triển khai mô hình chính quyền hai cấp, nhiều địa phương ở TP HCM có sáng kiến để phục vụ người dân tốt hơn. Tại phường Thủ Đức, trung tâm hành chính đưa vào sử dụng hai robot lễ tân hỗ trợ phát số, hướng dẫn quy trình và phục vụ nước uống.

Robot tiếp tân hỗ trợ người dân làm thủ tục ở Phường Thủ Đức

Robot hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính ở TP HCM. Video: Công Khang – Bảo Lâm

Một số phường mới sáp nhập như Diên Hồng, Tân Mỹ tạo ấn tượng với khu vực chờ thông thoáng, cán bộ giao tiếp lịch sự, nhiệt tình. Xã Long Hải triển khai mô hình “một kèm một”, bố trí đoàn viên, dân quân và tình nguyện viên giúp người dân thao tác điện tử, điền hồ sơ, tra cứu VNeID.

Ngoài ra, TP HCM hiện duy trì 41 điểm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, trong đó có 38 tổ địa bàn thuộc Trung tâm hành chính công thành phố. Mỗi tổ gồm 5 cán bộ từ các sở như Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên – Môi trường, vừa tiếp nhận hồ sơ cấp thành phố, vừa hỗ trợ xã, phường xử lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Mục tiêu là bảo đảm phục vụ thông suốt, không gián đoạn, hướng tới mô hình hành chính phi địa giới toàn diện vào cuối năm 2025.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, bên cạnh các cách làm sáng tạo nhằm phục vụ người dân số hơn, một số nơi vẫn gặp khó khăn như chưa rõ ràng về thẩm quyền xử lý, thiếu nhân sự, phần mềm chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ còn giữ thói quen làm việc cũ. Thành phố đang rà soát và tháo gỡ từng bước để hoàn thiện mô hình.

Về lâu dài, TP HCM sẽ nhân rộng các cách làm hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến cách phối hợp giữa các cơ quan và tiếp tục đào tạo đội ngũ để xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động và gần dân hơn.

Lê Tuyết