Nhân viên nhiều khách sạn 5 sao ở Trung Quốc tràn xuống đường bán hàng

Trung Quốc - Ảnh 1.

Đầu bếp trưởng chuẩn 5 sao trực tiếp bày sạp trước cửa khách sạn, thu hút đông đảo khách hàng đến mua thực phẩm chế biến sẵn – Ảnh: The Paper

Đạt doanh thu kỷ lục 

Theo báo cáo ngày 11-7 của tờ Quang Minh Nhật Báo, thời gian gần đây, nhiều khách sạn 5 sao tại các thành phố ở Trung Quốc như Tế Nam, Trịnh Châu, Trường Sa đã triển khai mô hình này, một số còn có kế hoạch bố trí thêm bàn ghế theo hình thức quán ăn vỉa hè, hoặc mở rộng sang kênh bán hàng qua ứng dụng giao đồ ăn.

Với doanh thu cao trong thời gian ngắn, tiêu thụ tốt và phản hồi tích cực, mô hình bày sạp nhanh chóng thu hút các khách sạn cao cấp trong bối cảnh hành vi tiêu dùng tại Trung Quốc chuyển dần sang xu hướng phải chăng và linh hoạt hơn.

Ở thành phố Trịnh Châu, một khách sạn 5 sao đã khiến giới kinh doanh ngạc nhiên khi quầy hàng của họ đạt doanh thu kỷ lục hơn 60.000 tệ (khoảng 8.200 USD)/ngày, mọi món ăn đều được bán sạch trong vòng 2 tiếng.

Trung Quốc - Ảnh 2.

Thực khách có thể chọn món ngay tại vỉa hè khách sạn – Ảnh: The Paper

“Khách không bước vào thì chúng tôi chủ động bước ra”, nhân viên của khách sạn 5 sao có tên Tiêu Tương Hoa Thiên tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam nói với tờ Quang Minh Nhật Báo.

Thông thường, các khách sạn 5 sao thường được xem là biểu tượng của sự sang trọng, phục vụ nhóm khách hàng cao cấp, tách biệt với tiêu dùng đại chúng.

Tuy nhiên khi họ bắt đầu cung cấp sản phẩm với giá hợp lý, chính hình ảnh cao cấp và mức độ tin cậy lại trở thành lợi thế cạnh tranh, giúp mô hình này nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Điều chỉnh theo thị hiếu người tiêu dùng 

Theo Quang Minh Nhật Báo, việc bày sạp là sự điều chỉnh theo mùa và thị hiếu tiêu dùng, thời gian này là cao điểm cho đồ ăn ngoài trời và hàng quán lưu động tại Trung Quốc, khi người dân ưu tiên sự tiện lợi, dễ mua mang đi trong thời tiết hè oi bức.

Đối với các khách sạn, khi các dịch vụ như kinh doanh nhà hàng hay tiệc cưới hoạt động dưới công suất, chi phí duy trì mặt bằng và nhân sự vẫn giữ ở mức cao.

Trong bối cảnh này, việc điều chỉnh mô hình phục vụ sang chủ động tiếp cận khách hàng thay vì chờ khách đến được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan để cứu doanh nghiệp và mở rộng nguồn thu.

Một số khách sạn cũng đặt mục tiêu kết hợp mô hình này để thu hút thêm khách lưu trú hoặc thúc đẩy khách tiêu dùng tại nhà hàng của họ, hoặc từng bước phát triển nó thành một mảng dịch vụ mới.

Trung Quốc - Ảnh 3.

Một số khách sạn triển khai thêm kênh bán hàng qua ứng dụng giao đồ ăn và thương mại số – Ảnh: The Paper

Theo phân tích của truyền thông Trung Quốc, mô hình này đang đi đúng hướng với xu thế và chính sách ở nhiều địa phương tại đại lục, vốn khuyến khích ngành dịch vụ ăn uống mở rộng hình thức kinh doanh, tiếp cận gần hơn với nhu cầu của số đông người tiêu dùng.

Một số người cho rằng cảnh người dân xếp hàng mua đồ ăn trước khách sạn 5 sao tạo cảm giác gần gũi, đời thường. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị thương hiệu của khách sạn.

Dù việc bày sạp có thể không trở thành hình thức kinh doanh lâu dài, nhưng với nhiều khách sạn tại Trung Quốc, đây được xem như một bước chuyển đổi tạm thời để thích ứng với thị trường tiêu dùng luôn thay đổi.