
Một dây chuyền sản xuất quần áo cho Shein tại Quảng Đông, Trung Quốc – Ảnh: REUTERS
Hôm nay 2-5, Mỹ đã chính thức chấm dứt chính sách miễn thuế cho các đơn hàng thương mại điện tử có giá trị dưới 800 USD (de minimis) đến từ Trung Quốc và Hong Kong.
Các sản phẩm này giờ sẽ phải chịu thuế lên đến 145%, theo quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng trước.
Ngừng nhận đơn hàng
Space NK, nhà bán lẻ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Anh, đã tạm ngừng nhận đơn hàng trực tuyến và giao hàng sang Mỹ “để tránh các khoản phí không chính xác hoặc phát sinh thêm cho khách”, theo thông báo hôm 30-4.
Understance, công ty có trụ sở tại Vancouver (Canada) chuyên bán đồ lót sản xuất tại Trung Quốc, cũng thông báo sẽ ngừng giao hàng sang Mỹ vì mức thuế mới. Hãng cũng thông báo chỉ quay lại khi thông tin rõ ràng hơn.
“Chúng ta chuyển từ mức (thuế quan) 0% lên 145%. Điều này thực sự không thể chấp nhận được với cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tôi đã thấy rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn cách rời khỏi thị trường (Mỹ) hoàn toàn”, CEO Cindy Allen của công ty tư vấn thương mại toàn cầu Trade Force Multiplier cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, chi phí nhập khẩu sẽ thay đổi tùy thuộc vào phương thức vận chuyển. Với hàng hóa được chuyển qua bưu điện Mỹ, thuế sẽ là 120% giá trị hàng hóa hoặc 100 USD mỗi kiện. Dự kiến số tiền sẽ tăng lên 200 USD từ tháng 6, theo hướng dẫn của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ.
Tăng giá bán, Temu “lách luật”
Trong khi đó, các nhà bán lẻ chọn tiếp tục ở lại với thị trường Mỹ đã buộc phải tăng giá. Chẳng hạn, hãng thời trang Oh Polly của Anh đã tăng giá sản phẩm tại Mỹ 20% so với các thị trường khác, và đang cân nhắc tăng tiếp do thuế cao.
Gã khổng lồ thời trang nhanh Shein trấn an khách hàng Mỹ trên mạng xã hội Instagram: “Một số sản phẩm có thể điều chỉnh giá khác so với trước đây, nhưng phần lớn bộ sưu tập của chúng tôi vẫn có giá cả phải chăng”.
Sàn thương mại điện tử Temu, thuộc Tập đoàn PDD Holdings của Trung Quốc, lại đang ưu tiên bán các sản phẩm có sẵn trong kho ở Mỹ.
Các sản phẩm này hiện được giới thiệu nổi bật trên trang web của sàn. Temu cũng thông báo hàng từ kho nội địa sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu.
“Hiện mọi giao dịch tại Mỹ đều do các nhà bán hàng tại Mỹ thực hiện và xử lý đơn hàng từ trong nước”, Temu cho biết, đồng thời khẳng định giá tại thị trường Mỹ “vẫn giữ nguyên”.
Dù vậy, hàng hóa nhập trước ngày 2-5 cũng sẽ cạn dần. Cả Shein và Temu đều đã cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo số tại Mỹ trong những tuần qua để chuẩn bị cho những thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến doanh thu.
Sàn thương mại Etsy cũng thông báo với các nhà bán hàng hồi đầu tháng rằng họ đang giúp người bán dễ dàng cập nhật xuất xứ sản phẩm hơn, vì thuế sẽ được tính dựa trên nơi sản phẩm được sản xuất chứ không phải nơi gửi đi.
Dù gây xáo trộn cho thương mại điện tử, việc Mỹ kết thúc de minimis với hàng hóa Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho các nhà bán lẻ không phụ thuộc vào thương mại điện tử hoặc sản xuất tại Trung Quốc.
Nhà bán lẻ thời trang Anh Primark cho biết họ có thể được hưởng lợi từ thay đổi này: “Với việc giá từ các nền tảng thương mại điện tử tăng lên, tôi tự hỏi liệu người Mỹ có quay trở lại các trung tâm thương mại để tìm giá trị tốt hơn hay không”, ông George Weston, CEO của Associated British Foods, công ty mẹ của Primark, chia sẻ với Reuters hồi tuần này.