
Người dân ở phường Tân Lợi hứng từng xô nước nhỏ mỗi ngày nhà máy mở nước để trữ dùng – Ảnh: DUNG THẢO
Hơn hai tháng nay, nhiều hộ dân tại các phường Tân Lợi, Tân Thành, các xã Cư Êbur, Ea Tu… phải sống cảnh “chờ nước sinh hoạt từng giờ”.
Theo người dân, nguyên nhân là do tình trạng nước máy bị cúp luân phiên, chảy yếu hoặc không có nước xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối, thời điểm người dân có nhu cầu sử dụng cao.
Dân “khát” nước sinh hoạt giữa thành phố
Ông Nguyễn Ngọc Điểu (phường Tân Lợi) cho biết đồng hồ nước nhà ông gần như không hoạt động từ tháng 3 đến nay. “Phải dùng nước giếng khoan tạm bợ, dù biết không bảo đảm vệ sinh. Cả xóm đều phải chia nhau từng xô nước giếng”, ông nói.
Còn ông Trần Dũng Hoàng cũng phải xin nước từ giếng nhà hàng xóm hơn 10 ngày nay. Nhiều hộ khác tranh thủ bật vòi lúc nửa đêm, khi áp lực nước tăng chút ít, để hứng nước cho cả ngày hôm sau. Một số hộ phải mua máy bơm tăng áp, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời khi nước đầu vào vẫn rất yếu.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, thì hai Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột và Công ty cổ phần Cấp nước Đạt Lý lại kêu cứu vì không bán được nước cho đơn vị phân phối chính là Công ty cổ phần Cấp nước Đắk Lắk (Dakwaco).

Nguồn cung ứng nước khá dồi dào từ 2 đơn vị đã có hợp đồng cấp nước giá rẻ nhưng đơn vị cung ứng làm lơ, trong khi giá nước tăng – Ảnh: MINH PHƯƠNG
Ông Lê Quốc Nam – giám đốc Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột – cho biết nhà máy công suất 20.000m³/ngày đêm được đầu tư hơn 320 tỉ đồng, từng có hợp đồng bán cho Dakwaco 15.000m³/ngày. Thế nhưng Dakwaco chỉ mua trung bình 3,2% sản lượng và đầu năm 2025 đến nay đã ngừng hoàn toàn.
Tình cảnh tương tự xảy ra với Công ty Cấp nước Đạt Lý. Dù có hợp đồng bán nước đến năm 2038, đơn vị này phải liên tục dừng hoạt động vì không có đầu ra.
“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết. Dakwaco bảo đã có nguồn cung khác và lãnh đạo mới không xử lý chuyện cũ”, ông Lê Gia Dậu – giám đốc công ty – lo lắng.
Giá nước sinh hoạt tăng, ai được lợi?
Tháng 3-2023, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành mức giá nước mới theo đề xuất của Dakwaco. Giá bán được điều chỉnh tăng theo lộ trình đến năm 2025, có tính đến chi phí mua nước từ hai công ty nói trên. Tuy nhiên thực tế Dakwaco vẫn không mua đúng cam kết nhưng lại đưa chi phí này vào cơ cấu giá bán nước.
Theo Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, Dakwaco đã vi phạm hợp đồng mua nước, trong khi người dân lại phải gánh giá nước tăng.
Từ năm 2023 – 2025, giá nước sinh hoạt tại TP Buôn Ma Thuột tăng lũy kế khoảng 60%, từ 10.710 đồng/m³ lên 14.900 đồng/m³ (chưa gồm thuế, phí). Dù giá tăng, người dân vẫn phải “săn” từng xô nước mỗi khi mùa khô đến.

Theo lãnh đạo Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột, hằng tháng phải bỏ hàng tỉ đồng chi phí nhưng nước không bán được khiến doanh nghiệp lao đao. Trong ảnh: Bên trong nhà máy cấp nước Công ty Cấp nước Buôn Ma Thuột – Ảnh: MINH PHƯƠNG
Phía Dakwaco cho biết tổng công suất khai thác là 79.000m³/ngày đêm, trong khi nhu cầu tại TP Buôn Ma Thuột khoảng 50.000 – 55.000m³. Việc nước yếu là do nhiều hộ không có nước giếng nên chuyển sang dùng nước máy đồng loạt, làm áp lực tụt giảm.
Trong khi đó, các sở ngành đang loay hoay với bài toán điều chỉnh giá nước. Theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, việc tính giá gặp khó do thiếu hướng dẫn cụ thể về tỉ lệ hao hụt, sản lượng thực tế, chi phí bảo đảm cấp nước.
Để tháo gỡ, tỉnh đang thành lập tổ công tác liên ngành rà soát toàn bộ phương án giá nước sạch, tránh việc người dân phải gồng mình trả giá trong khi nước vẫn chảy nhỏ giọt.