
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo rầm rộ trên TikTok trước khi cả hai bị khởi tố – Ảnh: TTO
Ngày 10-5, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOL, KOC).
KOL, KOC không thể vô trách nhiệm với tầm ảnh hưởng của mình
Theo các chuyên gia, người ảnh hưởng không chỉ là người truyền tải nội dung quảng cáo, mà còn là người chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm và dẫn dắt xu hướng. Sức lan tỏa từ nội dung của họ có thể tạo ra những tác động xã hội sâu rộng, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Vì vậy, họ cần được trang bị những hướng dẫn cụ thể, đồng thời ý thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng – những người đã tin tưởng và ủng hộ.
Ông Nguyễn Thanh Đảo – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam – cho rằng việc kiểm soát hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội là cấp thiết, góp phần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trải qua nhiều cuộc làm việc, đến thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự cầu thị của cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận thông tin về dự thảo luật. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng dự thảo Luật quảng cáo bao gồm nhiều mảng khác nhau, trong đó còn có hoạt động quảng cáo của các nền tảng xuyên biên giới.
Theo dự kiến, dự án Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11-6.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – giám đốc thương mại điện tử hệ thống bán lẻ 24hStore bày tỏ đồng tình việc Quốc hội xem xét siết chặt trách nhiệm quảng cáo của người nổi tiếng là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
Trong môi trường kinh doanh hiện nay, quảng cáo sai lệch không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Những thương hiệu lớn, phát triển thành chuỗi luôn đầu tư vào chất lượng sản phẩm, hậu mãi và truyền thông trung thực, vì vậy, việc đặt lại tiêu chuẩn cho người ảnh hưởng là cách giúp lọc nhiễu thị trường.
“Người nổi tiếng hay KOLs cần phải chịu trách nhiệm tương xứng với tầm ảnh hưởng của họ. Khi họ quảng cáo một sản phẩm, đó không chỉ là vài lời nói trên livestream – đó là một tác động lên hành vi tiêu dùng. Nếu họ không hiểu rõ sản phẩm hoặc chỉ nhận hợp đồng cho có, hậu quả sẽ chỉ không dừng lại ở thiệt hại tiền bạc từ phía người tiêu dùng”, bà Hồng nói.
Xây dựng hành lang pháp lý để công nhận ngành nghề hợp pháp
Ông Tony Truong – giám đốc giải pháp Công ty công nghệ Phygital Labs – cho rằng sự cân bằng hợp lý giữa yếu tố thương mại và trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng mới là điều nhà quản lý cần hướng đến.
Trong quá khứ, khi các sản phẩm được nhập khẩu và phân phối thông qua các hệ thống chính thống, việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xác định đơn vị chịu trách nhiệm nếu có xảy ra sự cố trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi ngày càng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc được phân phối tràn lan qua các sàn thương mại điện tử hoặc các hình thức bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, việc đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng khá phức tạp.
Chính vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý để chuẩn hóa hoạt động quảng cáo thông qua người ảnh hưởng là điều cần thiết. Những quy định này không nhằm mục đích siết chặt cực đoan, mà nhằm xác lập giới hạn rõ ràng và trách nhiệm cụ thể cho các bên liên quan, đặc biệt là với người ảnh hưởng có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống quản lý tập trung dành riêng cho những người ảnh hưởng. Một cơ chế có thể cho phép cấp chứng chỉ hành nghề, đăng ký định danh và mã số quản lý rõ ràng. Điều này không chỉ giúp Nhà nước giám sát hiệu quả hơn mà còn góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá sản phẩm, nâng cao trách nhiệm và minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Đồng thời, hệ thống quản lý này còn bảo vệ chính những người ảnh hưởng, giúp họ hoạt động bền vững, minh bạch và được công nhận là một ngành nghề hợp pháp trong nền kinh tế số.
Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương):
Ủng hộ xử lý hình sự KOL, KOC quảng cáo sai sự thật để chiếm đoạt tài sản
Không chỉ việc các KOL, KOC quảng cáo sai sự thật đã gây ra thiệt hại nặng nề, gây xói mòn niềm tin với người tiêu dùng. Trong số đó có những người thu lợi bất chính cao, nên việc phạt hành chính nhẹ nhàng sẽ không đủ tính răn đe, không tạo ra áp lực.
Vì vậy, trong trường hợp xác định được những người này đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình để lợi dụng lòng tin của người khác, quảng cáo sai sự thật để bán hàng từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng và người tiêu dùng thì có thể bị xử lý hình sự.