Người dân tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hà NộiNgày 8/7, hàng trăm người dân đã đến nghĩa trang Mai Dịch và nhà riêng ở thôn Lại Đà, xã Đông Anh để thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân giỗ đầu của ông.

Từ sáng sớm, nhiều người mang hoa đến phần mộ cố Tổng Bí thư tại nghĩa trang Mai Dịch. Một số người đứng lặng, cúi đầu trước phần mộ. Chị Phạm Thị Khánh Huyền (quận Nam Từ Liêm), cho biết một năm trước, khi ông qua đời, chị đang nghỉ sinh con nên không đến viếng được. “Hôm nay tôi đến dâng hương tưởng nhớ những đóng góp của ông”, chị nói.

Tại thôn Lại Đà, xã Đông Anh, nhiều người dân cũng đến nhà riêng của ông để dâng hương. Bên cạnh người dân địa phương, một số người từ các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đến tưởng niệm.





Người dân đến thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà riêng ở thôn Lại Đà, xã Đông Anh, Hà Nội, ngày 8/7. Ảnh: Hoàng Phong

Người dân đến thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà riêng ở thôn Lại Đà, xã Đông Anh, Hà Nội, ngày 8/7. Ảnh: Hoàng Phong

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hồi 13h38 ngày 19/7/2024 (tức 14 tháng 6 âm lịch), hưởng thọ 80 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang, sau đó ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Hai ngày quốc tang ông, 6.000 đoàn đại biểu trung ương, địa phương, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước, 100 đoàn quốc tế và 200.000 đồng bào đã đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, hội trường Thống Nhất TP HCM và quê nhà xã Đông Hội, Đông Anh (nay là xã Đông Anh). Gần 500.000 lượt người dân gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử.





Người dân đến thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nghĩa trang Mai Dịch, ngày 8/7. Ảnh: Khổng Chí

Người dân đến thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nghĩa trang Mai Dịch, ngày 8/7. Ảnh: Khổng Chí

Trong hơn 13 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, ông để lại nhiều dấu ấn về xây dựng Đảng và điều hành đất nước. Ông chủ trương đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, với quan điểm “củi tươi vào lò cũng phải cháy” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Ông cũng để lại dấu ấn với các chính sách về kinh tế, văn hóa. Năm 2017, lần đầu tiên Trung ương ban hành nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 10 xác định khu vực này là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về đối ngoại, ông gắn với đường lối “ngoại giao cây tre” – kiên định về nguyên tắc, linh hoạt trong phương pháp tiếp cận, phù hợp với bối cảnh khu vực và quốc tế.

Nguyên Phong