FijiGiáo phái Ngày tận thế Grace Road ‘kiểm soát tâm trí’, bắt các tín đồ đánh nhau trong nghi lễ trừ tà và giam lỏng họ, bắt làm việc không công.
Mục sư Shin Ok-ju, tên tiếng Anh là Esther, nói có một sứ mệnh muốn giúp tạo ra một thế giới “chỉ có Chúa mới là Chúa”. Chỉ khi đó Trái đất mới sẵn sàng cho “Sự tái lâm của Chúa Jesus”, theo như bà Shin chia sẻ trên trang web của mình.
Đưa 400 tín đồ đến ‘miền đất hứa’
Shin Ok-ju là người sáng lập giáo phái Ngày tận thế Grace Road ở Hàn Quốc. Sau khi thu hút được nhiều tín đồ, bà Shin dự đoán có một nạn đói toàn cầu và tin rằng họ cần tìm ngôi nhà mới.
Theo trang web của Nhà thờ Grace Road, nhà truyền giáo của giáo hội đã được cử đi khắp thế giới để khám phá vùng đất có thể sống sót qua nạn đói. Cuối cùng, họ nhắm tới đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương.
Bà Shin đã thuyết phục những tín đồ rằng đảo quốc này sẽ an toàn trước ngày tận thế sắp xảy ra, ca ngợi nơi đây là “miền đất hứa để tránh chiến tranh, động đất hay nạn đói”. Nhà thờ Grace Road nhanh chóng bắt đầu “đặt nền móng vĩnh cửu để đưa Fiji trở thành trung tâm của thế giới – vùng đất hứa trong Kinh thánh”, nơi họ có thể tìm thấy sự cứu rỗi.
Công ty GR Group, bộ phận kinh doanh của nhà thờ, bắt đầu mở các doanh nghiệp trên khắp hòn đảo, hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp từ xây dựng đến nông nghiệp.
Nhưng công cuộc hoàn thiện thế giới lý tưởng này bị gián đoạn khi bà Shin bị bắt cùng ba tín đồ vào ngày 24/7/2018 với cáo buộc cưỡng ép giam cầm và bạo hành thể chất.
Nhà chức trách cáo buộc bà Shin đã ép buộc một số tín đồ ở lại Fiji trái với ý muốn của họ. Bà Shin và một tín đồ bị bắt sau khi đáp chuyến bay đến Seoul, hai người còn lại bị bắt tại trụ sở của nhà thờ.
Chính quyền Hàn Quốc cho biết nhiều người trong số 400 tín đồ của bà Shin ở đảo Fiji đã bị các thành viên cấp cao của nhà thờ tước hộ chiếu khi đến nơi, giam cầm, cưỡng bức lao động dưới sự giám sát.
Cuộc điều tra đã đưa thế giới bí mật của các giáo phái tại Hàn Quốc cũng như phạm vi và sức ảnh hưởng đáng ngạc nhiên của họ ra ánh sáng.

Mục sư Shin Ok-ju phát biểu trước các tín đồ. Ảnh: Sun
Đánh đập tín đồ để trừ tà
Nhà thờ Grace Road bị cáo buộc thực hiện các nghi lễ đánh đập thành viên như một hình thức trừ tà. Trong phim tài liệu được phát sóng tại Hàn Quốc, lời kể của các cựu thành viên nhà thờ đã nêu chi tiết các cáo buộc về việc ngược đãi thể xác và ép làm việc quá sức.
Những cảnh quay gây sốc cho thấy bà Shin tát vào mặt những tín đồ và bắt họ đánh lẫn nhau một cách thô bạo, bất kể họ là mẹ con hay cha con, nhằm “đánh bật ác quỷ ra khỏi cơ thể”.
Theo một cựu tín đồ, có người con trai đã đánh cha mình từ 100 đến 200 lần trong một buổi họp. Một tín đồ khác nói rằng họ bị đối xử “như những con bò trong trang trại chứ không phải con người” và “nơi đó giống như địa ngục vậy”. Một số tín đồ trốn thoát cho biết ai có ý định bỏ trốn khỏi nhà thờ sẽ bị đánh hội đồng công khai.
Tark Ji-Il, giáo sư tôn giáo tại Đại học Busan Presbyterian và là chuyên gia về các phong trào tôn giáo ở Hàn Quốc, cho biết việc bà Shin bị bắt cho thấy Grace Road không hoạt động như một nhà thờ “bình thường” mà có đặc điểm của một tôn giáo giả mạo lợi dụng tín đồ.
Giáo sư Tark cho biết Grace Road đã phá hủy “các giá trị gia đình của tín đồ” trước khi bắt đầu “kiểm soát tâm trí bằng giáo lý” với các thành viên.
Theo giáo sư, từ vài năm trước, bà Shin đã đối xử bạo lực với các thành viên. Năm 2014, bà Shin bị một người đàn ông mắc chứng tâm thần phân liệt từng là thành viên của nhà thờ kiện đòi bồi thường 6 triệu USD.
Vụ kiện cáo buộc bà Shin đã giám sát khi anh ta bị trói bằng băng keo trong 10 ngày như một phần của quá trình điều trị chứng loạn thần. Theo đơn kiện, việc bị trói chặt đã khiến máu lưu thông kém, dẫn đến một chân của anh ta bị hoại tử và phải cắt cụt.

Bà Shin Ok-ju tát một tín đồ trong video được công bố năm 2018. Ảnh: SBS TV
Ngày 30/7/2019, bà Shin bị tuyên án sáu năm tù sau khi bị kết tội về nhiều tội danh bao gồm hành hung, ngược đãi trẻ em và gian lận.
Tòa án cho biết các nạn nhân “đau khổ, bất lực” khi phải trải qua “không chỉ sự tra tấn về thể xác mà còn cả nỗi sợ hãi tột độ và cú sốc tinh thần lớn”.
Bà Shin một mực phủ nhận các cáo buộc. Con trai bà, Daniel Kim, thủ lĩnh hiện tại của Grace Road, chỉ trích những tín đồ đã rời khỏi giáo phái quay ra vu khống nhà thờ. Kim nói rằng “nghi lễ đánh đập” không phải là tội ác vì được thực hiện với sự đồng ý.
‘Chờ thủ lĩnh Shin trở về’
Không giống các tổ chức tôn giáo khác ở Hàn Quốc, nhà thờ Grace Road theo đuổi mô hình phát triển gắn với một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia.
Grace Road đã thành lập một đế chế kinh doanh tại Fiji dưới sự quản lý của công ty GR Group và đang tìm cách “duy trì sức ảnh hưởng trong thời gian dài”.
Sau sự sụp đổ của người sáng lập, giáo sư Tark cho biết GR Group vẫn đang hoạt động tại Fiji và đã tạo dựng được sức ảnh hưởng trên khắp đảo quốc nhỏ bé này. Ông cho biết họ sẽ “cố gắng duy trì ảnh hưởng” và yêu cầu các thành viên “sinh thêm con” trong khi chờ đợi thủ lĩnh Shin trở về.
Trang web của GR Group cho biết công ty được thành lập với mục đích “đảm bảo an ninh lương thực và tự cung tự cấp”. Họ cũng tuyên bố đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, nhà hàng, bán lẻ, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Nhà thờ Grace Road duy trì quan hệ “thân thiện” với chính phủ Fiji. GR Group đã giành được một số hợp đồng xây dựng từ chính phủ Fiji và được cựu thủ tướng trao giải thưởng doanh nghiệp xuất sắc năm 2017. Công ty cho biết đã tuyển dụng khoảng 220 người Fiji địa phương và đầu tư 5 triệu USD cho Đại học Quốc gia Fiji để hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ.
“Nhà thờ Grace Road sẽ cố gắng trở thành tấm gương người tốt việc tốt ở Fiji để tồn tại ở đó lâu dài”, giáo sư Tark cảnh báo.
Các nhà thờ chính thống ở Fiji từ lâu đã cáo buộc Grace Road là một giáo phái cuồng tín.
Sau những cáo buộc, nhà thờ Grace Road đang bị chính quyền Fiji điều tra vì cáo buộc vi phạm nhân quyền, can thiệp vào việc cấp hộ chiếu cho gia đình các thành viên và vì hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp liên kết.
Mối họa từ giáo phái
Theo giáo sư Tark, các giáo phái ngày tận thế ở Hàn Quốc đã bùng nổ về mức độ phổ biến trong thời kỳ chính trị rối ren trước đây của đất nước. Nhiều nhóm ngày tận thế đã bóp méo nguồn gốc Cơ đốc giáo, với những người lãnh đạo tự nhận là tái sinh của Chúa Jesus và báo hiệu ngày tận thế.

Các thành viên gia đình bị bắt đánh nhau trong các nghi lễ của giáo phái. Ảnh: OCCRP
Giáo sư Tark cho biết: “Ngày nay, thế giới quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc, như Kpop, làm đẹp, khiêu vũ, ẩm thực… Các giáo phái khôn ngoan lợi dụng xu hướng này để truyền bá”. Ông giải thích rằng nhiều nhóm tôn giáo sẽ “gián tiếp tiếp cận” giới trẻ, và thích “ẩn mình” hơn là trực tiếp rao giảng thông điệp – điều này khiến họ trở nên đáng sợ hơn.
“Họ tập trung vào các phương pháp tiếp cận về văn hóa và thông qua các mối quan hệ… trước khi bắt đầu kiểm soát tâm trí bằng giáo lý”, ông Tark cảnh báo.
Giáo sư Tark cho biết bố ông đã bị một thành viên giáo phái sát hại vào năm 1994 sau khi bắt đầu nghiên cứu về các giáo phái, ông quyết định tiếp bước bố.
“Kể từ thời bố tôi, những vấn đề liên quan đến giáo phái chưa bao giờ chấm dứt”, ông Tark nói thêm rằng ở Hàn Quốc, các nhóm này “không chỉ đơn thuần là vấn đề tôn giáo mà còn là vấn đề xã hội” và có thể “gây ra tác hại nghiêm trọng cho gia đình và xã hội”.
Tuệ Anh (Theo CNN, Sun)