Mỹ giảm thuế còn 36%, Campuchia vui với ‘thắng lợi lớn’

Campuchia - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol – Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP ngày 8-7, Phó thủ tướng kiêm trưởng đoàn đàm phán Campuchia Sun Chanthol cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định giảm mức thuế đe dọa áp lên hàng hóa Campuchia từ 49% xuống còn 36% là một “chiến thắng lớn” trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.

“Đây quả thật là một chiến thắng vang dội cho Campuchia ở bước đầu của tiến trình đàm phán thuế quan”, ông Chanthol chia sẻ với báo giới. “Chúng ta đã thành công trong quá trình thương thảo”.

Ngoài ra, phó thủ tướng Campuchia cũng khẳng định nước này vẫn còn cơ hội tiếp tục thương lượng với Mỹ để giảm thuế sâu hơn nữa.

Trước đó vào tháng 4, Tổng thống Trump đã công bố các mức thuế “có đi có lại” với hàng trăm nền kinh tế toàn cầu, trong đó Campuchia chịu mức thuế cao ngất ngưởng 49% nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Vài ngày sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã tạm thời hoãn các mức thuế này lại và cho các nước thời hạn 90 ngày để đàm phán thương mại với Washington.

Ngày 7-7, ông Trump quyết định giảm thuế cho hàng hóa Campuchia xuống còn 36% và gia hạn thời hạn tiếp tục đàm phán đến ngày 1-8.

Dù vậy, tin tức này vẫn chưa thể xoa dịu nỗi lo của hàng trăm ngàn công nhân trong ngành may mặc – lĩnh vực xuất khẩu chủ lực trị giá khoảng 10 tỉ USD của Campuchia sang Mỹ trong năm ngoái.

“Tôi cầu xin Mỹ giảm thuế vì công nhân Campuchia. Nếu họ áp thuế cao, người chịu thiệt chỉ là công nhân chúng tôi” – chị Im Sothearin (38 tuổi), lao động làm việc tại một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh, chia sẻ trong lo lắng.

Với mức lương chỉ 300 USD mỗi tháng, người mẹ ba con này sợ rằng các nhà máy sẽ phải đóng cửa, giảm lương, hoặc tăng cường độ làm việc nếu Campuchia không đạt được thỏa thuận thương mại nào với Mỹ.

Chị Sreymom, 28 tuổi, đang mang thai và có 11 năm làm việc trong ngành, cũng bày tỏ: “Nếu thuế cao như vậy, các công ty sẽ không có tiền trả cho công nhân. Tôi e là chúng tôi sẽ không còn việc làm”.

Trong khi đó, chị Yi Mom, người đã có hai thập kỷ trong nghề, lo ngại rằng nếu Campuchia không thể làm nhẹ “cú đánh” từ Mỹ, sự nghiệp của chị có thể bị chấm dứt.

“Chúng tôi sẽ phải sống với đồng lương thấp và không thể nuôi nổi gia đình”, chị nói.

Campuchia hiện đang chịu mức thuế tạm thời 10% trong lúc đàm phán tiếp diễn. Nhiều nhà máy tại đây thuộc sở hữu Trung Quốc, và Nhà Trắng từng cáo buộc Campuchia cho phép hàng Trung Quốc trung chuyển vào Mỹ để né thuế áp lên Bắc Kinh khiến căng thẳng thêm phần phức tạp.

Trong bối cảnh đó, dù chính phủ tuyên bố thắng lợi ban đầu, thì nỗi lo mất việc và bất an sinh kế vẫn bao trùm lên tâm lý của nhiều người dân Campuchia.