Mỹ chi 4,6 tỷ USD nhập gỗ Việt trong nửa năm

Theo Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2024.

Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% và chiếm 55,6% tổng kim ngạch – tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt chiếm 12,6% và 10,4%, là hai thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đà tăng trưởng ổn định tại thị trường Mỹ không chỉ phản ánh tín hiệu phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội thất, mà còn cho thấy sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp Việt trước các rào cản thuế quan và yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía đối tác.

Trong nhóm sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, đồ nội thất bằng gỗ chiếm ưu thế tuyệt đối, với tỷ trọng tới 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, ghế khung gỗ là mặt hàng chủ lực, đạt gần 1,2 tỷ USD tăng 14,9% so với cùng kỳ và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao thứ tư trong nhóm.

Các sản phẩm nội thất khác như bàn ghế phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ cũng ghi nhận doanh số xuất khẩu lần lượt đạt 793,1 triệu USD và 664 triệu USD.

Ngoài nội thất, Việt Nam còn xuất sang Mỹ các sản phẩm như: gỗ nguyên liệu, ván, ván sàn (377,2 triệu USD), cửa gỗ (14,3 triệu USD), đồ gỗ mỹ nghệ (11,2 triệu USD)… Trong đó, chỉ riêng mặt hàng cửa gỗ ghi nhận sụt giảm nhẹ 1%, còn lại đều tăng trưởng từ 5,1% đến 54,2%.

Gỗ hiện là một trong 5 ngành xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với quy mô hơn 14 tỷ USD mỗi năm. Các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh và truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ và quốc tế.





Bên trong nhà xưởng của công ty Đại Thành, một trong những doanh nghiệp đồ gỗ lớn ở Bình Định. Ảnh: Trọng Trí

Bên trong nhà xưởng của công ty Đại Thành, một trong những doanh nghiệp đồ gỗ lớn ở Bình Định. Ảnh: Trọng Trí

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch HAWA, tính toán, nếu thuế đối ứng 20% được áp, các nhà nhập khẩu Mỹ (trader) sẽ là đối tượng đầu tiên chịu chi phí. Tuy nhiên, thực tế thương mại cho thấy, nhà sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ phải chia sẻ một phần chi phí – thường ở mức 5-7%. “Nếu doanh nghiệp tối ưu được chi phí sản xuất, mức này vẫn nằm trong khả năng chịu đựng. Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh,” ông nhận định.

Số liệu từ năm 2024 cho thấy, Việt Nam đã chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 6,5 triệu m³ gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Nguồn gốc nhập khẩu chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu và châu Phi – các thị trường có thể xác minh xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất siêu đáng kể trong lĩnh vực này với Trung Quốc khi nhập 800 triệu USD nhưng xuất sang thị trường này tới 2 tỷ USD. “Không có số liệu nào cho thấy có dấu hiệu trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam trong ngành gỗ,” ông nhấn mạnh.

Ông Phương cho biết khoảng 60-65% nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ đến từ nguồn nội địa, phần còn lại được nhập khẩu có kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp Việt đã làm chủ được khâu sản xuất phụ kiện, chi tiết kim loại trong đồ nội thất giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, ông lưu ý sự cạnh tranh không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam – vốn sử dụng nguyên liệu và nhân công Việt nhưng có lợi thế về vốn và kinh nghiệm vận hành.

Trong ngắn hạn, HAWA sẽ phối hợp cùng các hiệp hội logistics để tổ chức tập huấn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý xuất xứ minh bạch, sẵn sàng chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trong chuỗi cung ứng.

Về dài hạn, ông Phương đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục xuất khẩu và chủ động đàm phán về quy tắc xuất xứ – đặc biệt với nhóm sản phẩm chế biến từ gỗ Mỹ để có thể được hưởng ưu đãi riêng nếu Mỹ ban hành chính sách linh hoạt.

Nửa cuối năm, nhiều chuyên gia dự báo xu hướng hồi phục nhu cầu tại Mỹ và các thị trường châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, nguy cơ bị điều tra thương mại, thuế đối ứng hoặc truy xuất nguồn gốc vẫn rất lớn. Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ chế biến, kiểm soát chuỗi cung ứng nghiêm ngặt để giữ vững thị phần tại thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Thi Hà