
Lãnh đạo PVcomBank thông tin tại đại hội năm nay – Ảnh: NH
Đưa AI vào giám sát ngăn ngừa các rủi ro
Thông tin nêu trên được lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đề cập tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra chiều 18-4.
Theo báo cáo, tính đến 31-12-2024, tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân của ngân hàng này đạt 194.761 tỉ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023. Tuy nhiên lãnh đạo PVcomBank cho biết, cơ cấu huy động thay đổi theo hướng tích cực.
Số dư huy động từ phát hành giấy tờ có giá tăng từ 19.188 tỉ đồng cuối năm 2023 lên 25.080 tỉ đồng vào ngày 31-12-2024.
Ngoài ra, số dư tiền gửi không kỳ hạn từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 20% so với 2023, đạt 11.521 tỉ đồng. Còn huy động vốn trên kênh online của PVcomBank cũng tăng 22% so với năm 2023.
Báo cáo cổ đông, lãnh đạo PVcomBank cũng cho biết đã đẩy mạnh ứng dụng AI vào nhiều khâu như tăng cường nhận diện, giúp giao dịch nhanh chóng và chính xác hơn; nâng cao hiệu suất xử lý giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng hợp kênh đáp ứng chuẩn mực quốc tế; nâng cao khả năng giám sát dịch vụ tự động từ hệ thống, giám sát ngăn ngừa các rủi ro…
Năm 2025 là năm được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, PVcomBank cho biết sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu theo lộ trình được phê duyệt.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, PVcomBank đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 19.949 tỉ đồng và 111 tỉ đồng. Kế hoạch này đã được cổ đông thông qua.
Ngân hàng đẩy mạnh tinh giản bộ máy
ABBank cũng vừa tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2025. Theo biên bản đại hội vừa được công bố sáng nay (19-4), ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.800 tỉ đồng, bằng 231% so với năm 2024.
Mặc dù nhận định mục tiêu này rất thách thức trong bối cảnh hiện này, song lãnh đạo ABBank khẳng định sẽ “nỗ lực để đạt và vượt” do kết quả kinh doanh quý 1-2025 triển vọng tích cực.
Đáng chú ý theo lãnh đạo ABBank, ngân hàng đã thực hiện rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản nhân sự nhằm tạo tác động tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ.
Theo dữ liệu trên báo cáo tài chính, năm ngoái ABBank giảm gần 170 nhân sự, còn tổng số 4.367 nhân viên tại thời điểm cuối năm 2024. Quan điểm của nhà băng này là không duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số.
Bàn về tăng vốn điều lệ, lãnh đạo ABBank cho biết hình thức là lấy từ lợi nhuận chưa phân phối và chào bán thêm cổ đông hiện hữu.
“Hiện tại ngân hàng còn số lợi nhuận chưa phân phối trên 2.300 tỉ đồng năm nay. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỉ đồng dự kiến sẽ bổ sung thêm một khoản đáng kể làm nguồn tăng vốn”, lãnh đạo ABBank trao đổi với cổ đông.
Liên quan tới việc tìm kiếm các cổ đông nước ngoài, hiện ABBank có Maybank là cổ đông chiến lược đã gắn bó cùng ngân hàng này từ 2008 đến nay. Theo đó, cổ đông ngoại này sẽ tiếp tục đồng hành cùng họ trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi IFC thoái vốn, room khối ngoại còn dư địa, ngân hàng sẽ xem xét việc tìm kiếm thêm.
Tại đại hội, một cổ đông đề nghị lãnh đạo ABBank cần có kế hoạch để trả cổ tức và tỉ lệ cổ tức cao hơn mức lãi suất ngân hàng.
Được biết ngoài ABBank, một số ngân hàng cũng thông tin tại đại hội cổ đông việc đang triển khai chiến lược sắp xếp, tinh gọn hệ thống. Một ngân hàng trong nhóm “Big4” còn dự kiến cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn, tăng trải nghiệm.
Dữ liệu thống kê từ báo cáo tài chính riêng lẻ 27 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng cán bộ, nhân viên vẫn đang làm việc ở thời điểm cuối năm 2024 là 241.417 người, tăng gần 5.500 người sau một năm.
Xu hướng chung toàn ngành là tăng lên nhưng ở mỗi nhà băng, ghi nhận biến động khác nhau về quy mô nhân sự. Trong đó, có ngân hàng giảm tới 1.107 nhân sự, trong khi nhiều nơi khác cũng giảm hàng trăm người.
Dự báo việc tái cấu trúc bộ máy tại các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh hơn nữa vào năm nay trong bối cảnh AI, công nghệ số khác được ứng dụng mạnh mẽ…