
Du khách làm thủ tục tại sân bay – Ảnh: THANH HIỆP
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa lên tiếng về những bất cập trong quy định cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, gây ra gánh nặng hành chính và làm chậm quá trình đổi mới kinh doanh.
Với dự thảo thay thế nghị định 152/2020/NĐ-CP, EuroCham cho biết đang đối thoại với Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan để thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh.
Trọng tâm trong kiến nghị của EuroCham là vấn đề yêu cầu bắt buộc về bằng cấp học thuật chính quy khi xin giấy phép lao động diện chuyên gia. Điều này được cho là quy định gây trở ngại, đặc biệt với nhân sự trong những lĩnh vực mới xuất hiện và chưa có chuyên ngành đào tạo tương ứng trước đây.
Theo EuroCham, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo kêu gọi sự linh hoạt hơn trong việc công nhận kinh nghiệm làm việc thay thế cho bằng cấp học thuật.
Ông Bruno Jaspaert – chủ tịch EuroCham – đã chia sẻ tại lễ ra mắt Sách trắng 2025 gần đây: “Phải mất hơn sáu tháng để có thể đưa một chuyên gia trong lĩnh vực logistics với 25 năm kinh nghiệm vào Việt Nam, chỉ vì ông ấy có bằng cấp trong chuyên ngành sinh học. Đó không chỉ là gánh nặng chi phí mà còn làm chậm quá trình đổi mới và cản trở hoạt động kinh doanh”.
Ông Nguyễn Hải Minh – phó chủ tịch EuroCham – cho rằng ngày càng phổ biến việc chuyên gia học một ngành nhưng phát triển sự nghiệp ở ngành khác. Trong thế giới liên ngành như hiện nay, kinh nghiệm thực tiễn cần được đánh giá ngang hàng với giáo dục chính quy.
Theo Sách trắng 2025 của EuroCham, quy định về giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm nghị định 152/2020/NĐ-CP và nghị định 70/2021/NĐ-CP còn nhiều điểm bất cập.
Để đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép lao động tại Việt Nam, EuroCham cho rằng cần quy định rõ lao động kỹ thuật có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc không phải cung cấp “văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận”.
Ngoài ra, cần bỏ yêu cầu nộp điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động với văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài; làm rõ định nghĩa “làm việc” và “công tác” cũng như các điều kiện được miễn cấp giấy phép lao động với người lao động nước ngoài đi công tác ngắn ngày tại Việt Nam.
Đối với người lao động nước ngoài nhập cảnh để xử lý sự cố trong sản xuất, kinh doanh (không thuộc diện cấp giấy phép lao động) cần kéo dài thời hạn làm việc từ 6-12 tháng hoặc bỏ yêu cầu thủ tục xác nhận rằng người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động.