Mối nguy từ chợ online bán súng đồ chơi có tính sát thương như súng thật

Cảnh sát Nhật Bản vừa nêu 16 loại súng đồ chơi trẻ em có sức sát thương như súng thật được bán tràn lan trên chợ online, nhưng đây không phải mối lo riêng của nước nào.

Cuối tháng 4, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật bản (NPA) cho biết vừa xác định 16 mẫu súng đồ chơi trên các sàn thương mại điện tử nước này có khả năng giết người hoặc làm bị thương. 16 mẫu đều được sản xuất ở nước ngoài, được trưng bày dưới dạng “đồ chơi” trên trang web mua sắm và đi kèm với những viên đạn nhựa.

NPA kêu gọi người dân không mua và hãy liên hệ với cảnh sát nếu bắt gặp súng “đồ chơi” bán trực tuyến.





Một trong 16 loại súng lục được bán như đồ chơi trên một trang web mua sắm trực tuyến được cảnh sát kết luận có sức mạnh ngang với súng lục thật. Ảnh: NPA

Một trong 16 loại súng lục bán như “đồ chơi” trên một trang web mua sắm trực tuyến được cảnh sát kết luận có sức mạnh ngang với súng lục thật. Ảnh: NPA

Các cuộc kiểm tra của cảnh sát cho thấy khẩu súng này có khả năng bắn đạn thật và có sức mạnh tương đương với một khẩu súng thật. Việc sở hữu và bán loại súng này là vi phạm Luật Kiểm soát Vũ khí. Khoảng 1.100 khẩu súng đã bị tịch thu hoặc thu hồi.

Cảnh sát Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực thu hồi súng đã mua và đã yêu cầu các nhà điều hành trang web trong nước ngừng bán chúng. Tuy nhiên, súng vẫn được bán trên các trang web mua sắm ở nước ngoài.

“Súng giả, nguy hiểm thật” không chỉ là mối lo của riêng Nhật Bản. Năm 2023, nhà chức trách Malaysia ghi nhận 150 vụ án đã được thực hiện bằng loại súng đồ chơi, còn gọi là súng bắn gel, súng đạn thạch. Tháng 12/2024, cảnh sát nước này tiếp tục triệt phá một đường dây buôn bán vũ khí giả, tịch thu hơn 600 khẩu súng được bán như đồ chơi trẻ em, nhưng có tính sát thương cao và trông giống hệt súng thật. Những viên đạn gel, đạn thạch cứng có thể được bắn ra với tốc độ lên tới 82 m/giây.

Cảnh sát bày tỏ lo ngại khi chỉ cần có kết nối Internet và 150 RM (khoảng 900.000 đồng), tội phạm có thể mua súng đồ chơi nhưng tính năng và sát thương giống hệt súng thật để phạm tội.

Các loại này được bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử và thậm chí trên TikTok thông qua các buổi phát trực tiếp. Sự quan tâm đến các buổi livestream bán súng tiếp này đang ngày càng tăng, một số buổi thu hút tới hàng nghìn người xem.

Kết quả điều tra cho thấy hầu hết người bán đều không biết hoặc không quan tâm rằng việc bán súng giả là bất hợp pháp miễn là nó có lợi nhuận.

Trách nhiệm của sàn thương mại điện tử

Trong nhiều vụ án tương tự, chế tài xử lý nơi bán mặt hàng này ít khi được đề cập. San Cheng, một người thiết kế game người Trung Quốc, từng bị phạt 3 năm tù vì mua súng đồ chơi trên Taobao và Alibaba về tham khảo cho công việc đồ họa. Nó quá rẻ và dễ mua, bày bán tràn lan đến mức anh cho rằng việc sở hữu không thể bị coi là phạm tội.

“Mọi người không hiểu rằng chúng là bất hợp pháp, bởi vì nếu bạn vào Taobao và tìm kiếm súng đồ chơi, bạn sẽ nhận được hàng chục nghìn mặt hàng gợi ý”, anh nói.

Điều khoản dịch vụ của Taobao, Alibaba đều cảnh báo người mua hàng rằng họ đang mua hàng từ các bên thứ ba, điều này có nghĩa là công ty không thể đảm bảo rằng mọi sản phẩm đều an toàn, chất lượng cao và hợp pháp.

Cheng và nhiều người đã kêu gọi chính quyền tăng cường áp lực lên các trang web mua sắm trực tuyến thay vì bỏ tù những người mua thiếu hiểu biết.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba chủ động hơn trong việc ngăn chặn nhiều loại hàng hóa bất hợp pháp được bán trên các chợ trực tuyến của mình.

Tại Việt Nam, trên một số sàn thương mại điện tử lớn, thậm chí các website, cửa hàng online, các mặt hàng súng mô hình, súng bắn đạn thạch, súng bắn nước… dễ dàng được tìm thấy, dù trong danh sách các sản phẩm bị cấm bán do các sàn thương mại điện tử tự công bố có nêu các mặt hàng này.

Tháng 6/2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương từng đánh giá hiện có nhiều website, ứng dụng hoặc mạng xã hội có đăng bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục… có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng xấu đến người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

Các sản phẩm này bị cấm theo pháp luật Việt Nam.

Theo Mục X Quyết định 88/2000/QĐ-BTM, một số loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị cấm, gồm:

1- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng: Súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác. Súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ.

2- Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác: Giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén…).

3- Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng.

4- Các loại đồ chơi ảo.

5- Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.

6- Các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm.

7- Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em.

8- Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, có mục đích xấu.





Danh sách các sản phẩm bị cấm bán, do một sàn thương mại điện tử tự công bố, song các sản phẩm này vẫn được bày bán

Danh sách các sản phẩm bị cấm bán do một sàn thương mại điện tử tự công bố tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 30, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, người vi phạm về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.

Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu ai vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt tới 80 triệu đồng và có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác…

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương khuyến cáo, nếu phát hiện website nào bày bán các sản phẩm nêu trên, đề nghị gửi phản ánh về địa chỉ:

  • Phòng Quản lý hoạt động TMĐT – Cục TMĐT và KTS
  • 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Email: qltmdt@moit.gov.vn

Hải Thư (Theo NYT, Japan Reference, Asia Times, Bộ Công Thương)