
Ông Bùi Thanh Sơn, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: HỒNG PHÚC
Chiều tối 16-5, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) tổ chức lễ đón dòng dầu đầu tiên của dự án phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, lô 05-1a.
Tham dự, ông Bùi Thanh Sơn, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đánh giá cao việc đưa dòng dầu thương mại đầu tiên từ dự án vào khai thác trước 20 ngày so với kế hoạch.
Đây là một thành quả có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và đẩy mạnh công cuộc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững.
Doanh thu từ mỏ đạt trên 4 tỉ USD
Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 thuộc lô 05-1(a), cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 256km vừa đón dòng dầu đầu tiên với lưu lượng 6.000 thùng/ngày, sớm hơn 20 ngày so với kế hoạch.
Đây không chỉ là thành tựu về tiến độ kỹ thuật, mà còn là dấu mốc quan trọng khẳng định khả năng tự chủ về công nghệ EPCI (thiết kế – mua sắm – thi công – lắp đặt) của người Việt trong ngành dầu khí.
Dự án này được triển khai trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động, khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu leo thang, trong khi điều kiện địa chất – thủy văn phức tạp của vùng nước sâu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cao.
Tuy nhiên, mỏ nước sâu xa bờ với độ sâu hơn 110m này đã được nghiên cứu, khai thác với toàn bộ cán bộ, kỹ sư và chuyên gia người Việt Nam.
Trong đó, Công ty Dầu khí Đại Hùng, tiền thân của Chi nhánh Điều hành Dầu khí trong nước (PVEP-POC) là đơn vị điều hành. Thành quả từ dự án đến từ sự hợp lực của Liên doanh Vietsovpetro, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling),…
Với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, Đại Hùng pha 3 lô 05-1(a) bao gồm nhiều hạng mục kỹ thuật quy mô lớn: giàn đầu giếng WHP-DH01 đặt ở độ sâu hơn 110m, đường ống mềm dài 5,2km, kết nối với giàn xử lý trung tâm FPU hiện hữu,…
Đặc biệt, toàn bộ khâu thiết kế, chế tạo, thi công và lắp đặt đều do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Đây là điều hiếm thấy trong các dự án nước sâu trước đây.
Sau 30 năm khai thác, tính đến tháng 4-2025, mỏ Đại Hùng cán mốc khai thác 75 triệu thùng dầu; trong đó, nếu tính từ năm 2003 khi PVEP-POC trực tiếp điều hành đã khai thác được 45 triệu thùng dầu.
Đến hết năm 2024, doanh thu từ mỏ Đại Hùng đạt trên 4 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 600 triệu USD.
Dự kiến doanh thu toàn mỏ sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 3 sẽ đạt khoảng 160.000 tỉ đồng đến năm 2034, đóng góp thêm khoảng 76 triệu thùng dầu vào tổng sản lượng khai thác của Petrovietnam.
Chủ động làm chủ biển sâu
Đằng sau những con số kỹ thuật của dự án là sự trưởng thành của đội ngũ kỹ sư dầu khí Việt. Đại Hùng pha 3 đánh dấu lần đầu tiên một dự án khai thác phức tạp bậc nhất về địa chất – dòng chảy – chiều sâu được thực hiện 100% bởi lực lượng trong nước.
Đây là bước tiến dài từ những ngày đầu phụ thuộc chuyên gia nước ngoài. Thành công này không chỉ tạo tiền đề mở rộng lô 05-1(a) và các vùng lân cận, mà còn là biểu tượng của năng lực công nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng chiến lược.

Quang cảnh đại công trường thi công cho dự án mỏ Đại Hùng pha 3 – Nguồn: PVEP-POC
Dự kiến lưu lượng của toàn mỏ Đại Hùng sẽ tăng từ 8.000 thùng mỗi ngày hiện tại lên 18.000 thùng vào cuối năm 2025 và sẽ tiếp tục gia tăng. Đây cũng là tiền đề để mở rộng và phát triển các giai đoạn tiếp theo như dự án phát triển mỏ Đại Hùng Nam.
Dự án phát triển mỏ Đại Hùng Nam khi đưa vào khai thác sẽ nâng lưu lượng khai thác toàn mỏ lên gần 30.000 thùng/ngày, đưa PVEP – POC trở thành đơn vị có sản lượng khai thác dầu trong top 3 của Việt Nam vào trước năm 2030.
Từ một mỏ từng bị đánh giá không khả thi về mặt kinh tế, khi nhà đầu tư nước ngoài rút lui và chuyển giao lại thiết bị cho Petrovietnam với giá tượng trưng 1 USD thì đến nay, Đại Hùng đã trở thành biểu tượng tự lực – tự cường – sáng tạo của ngành năng lượng Việt Nam.
Vực dậy dự án chuyển giao giá 1 USD
Mỏ Đại Hùng thuộc bể Nam Côn Sơn, được ExxonMobil (Mỹ) xác định từ trước năm 1975 và trữ lượng dầu khí được đánh giá qua kết quả khoan thăm dò của Vietsovpetro trong giai đoạn 1986 – 1990.
Năm 1993, tổ hợp các nhà thầu quốc tế do Công ty dầu khí BHP Billiton (Úc) đại diện đã được giao điều hành để thăm dò, thẩm lượng và phát triển sớm mỏ Đại Hùng.
Tuy nhiên, quá trình quản lý khai thác mỏ sau đó gặp nhiều thử thách, lần lượt các nhà đầu tư nước ngoài như BHP, Petronas (Malaysia) rút khỏi dự án, để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư cho Petrovietnam với giá 1 USD.
Sau khi giao cho Vietsovpetro điều hành và đối tác Zarubezhneft (Liên bang Nga) quyết định rút khỏi đề án, Petrovietnam quyết định chuyển giao quyền điều hành đề án phát triển mỏ Đại Hùng cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) từ tháng 10-2003.