
Cách đây 10 năm, MB – giống như nhiều ngân hàng khác – vận hành bằng các quy trình thủ công, giấy tờ phức tạp và hệ thống phân mảnh. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi người dùng cùng áp lực từ làn sóng công nghệ đã khiến mô hình này dần trở nên lỗi thời.
Năm 2017, đánh dấu bước ngoặt trên hành trình phát triển của MB. Ban lãnh đạo ngân hàng nhận ra rằng, để không bị tụt lại, MB không thể chỉ chỉnh sửa nhỏ lẻ, đổi mới công nghệ để số hóa vài quy trình – cần một cuộc chuyển đổi toàn diện – tái định nghĩa toàn bộ cách ngân hàng tồn tại và phục vụ trong kỷ nguyên số.
Suốt gần một thập kỷ, MB đã bám sát chiến lược thách thức, từng bước kiến tạo ba trụ cột vững chắc, làm nên sự khác biệt: nền tảng vận hành thông minh dựa trên sức mạnh của dữ liệu, hệ thống bảo mật chủ động, đón đầu mọi rủi ro tiềm ẩn và văn hóa nhân sự được “số hóa” từ tư duy đến kỹ năng.


Những ngày đầu chuyển đổi, MB đã xác định tầm nhìn: chuyển đổi số không chỉ là “làm app”, mà kiến tạo một hệ sinh thái tài chính thông minh, vận hành bằng dữ liệu và các thuật toán tiên tiến – một “ngân hàng không giấy tờ”. MB đặt mục tiêu vượt qua giới hạn mô hình ngân hàng truyền thống, hướng đến hệ sinh thái ngân hàng số, mang lại trải nghiệm tài chính liền mạch, cá nhân hóa cho từng khách hàng.
Tuy nhiên, hành trình thay đổi chưa bao giờ dễ dàng. MB phải “đập đi xây lại” hệ thống lõi, thiết kế lại quy trình, đồng thời chuyển dịch tư duy của hàng chục nghìn nhân sự từ truyền thống sang số hóa. Trong bối cảnh thị trường còn dè dặt, nền kinh tế biến động, ngân hàng vẫn kiên định dành khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho chuyển đổi số.
“Đây không phải là một khoản đầu tư để làm đẹp báo cáo, mà là một cuộc “tự cách mạng hóa” để thay đổi tận gốc cách vận hành và phục vụ khách hàng”, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Hành trình chuyển đổi của nhà băng bắt đầu với việc thành lập Khối Ngân hàng số vào năm 2017, tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và tự động hóa quy trình. Trên nền tảng đó, ngân hàng phát triển App MBBank – ứng dụng tài chính cá nhân cho phép khách hàng thực hiện gần như toàn bộ giao dịch ngân hàng, từ mở tài khoản, thanh toán, vay vốn đến đầu tư, bảo hiểm, chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh.
Theo đuổi xu hướng “self-serving” (tự phục vụ), MB không chỉ giới thiệu một ứng dụng “tất cả trong một” mà còn xây dựng một hệ sinh thái với hơn 200 Mini App được cá nhân hóa hiển thị theo nhu cầu và thói quen của từng người dùng.
Bên cạnh đó, nhà băng còn cho ra mắt Biz MBBank – nền tảng ngân hàng số chuyên biệt cho doanh nghiệp, tích hợp AI và dữ liệu lớn, tự động hóa tới 70% các giao dịch quản lý dòng tiền, giúp các doanh nghiệp SME tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Một số mini app nổi bật của MB.
Đặc biệt, MB là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai mô hình “ngân hàng như một dịch vụ” (Banking-as-a-Service – BaaS). Mô hình này cho phép đối tác thứ ba kết nối hệ thống của ngân hàng qua API để tích hợp trực tiếp các dịch vụ tài chính vào nền tảng số của họ. Với hơn 1200 bộ API, MB hiện nằm trong nhóm ngân hàng sở hữu hệ sinh thái API đa dạng nhất thị trường, kết nối với hơn 1000 đối tác như WinCommerce, Vietnam Airlines, MoMo, ZaloPay…
“Chúng tôi không chỉ tạo ra một ứng dụng đẹp mắt mà xây dựng một không gian tài chính số, nơi công nghệ và dữ liệu giải phóng khách hàng khỏi mọi rào cản”, ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.

Một trong những thách thức lớn nhất MB đối mặt trong hành trình chuyển đổi số là bài toán an ninh mạng. Với hơn 31 triệu khách hàng hiện tại, hướng đến mốc 35 triệu trong năm 2025, cùng 98,6% giao dịch trên kênh số, nhà băng xác định bảo mật không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là yếu tố quyết định sống còn của ngân hàng hiện đại. “Nếu không làm tốt an ninh mạng, chẳng khác nào chúng ta hoạt động giữa quảng trường mà không có lá chắn”, lãnh đạo MB nói.
Không dừng ở việc bảo vệ hệ thống nội bộ, MB tiên phong thay đổi tư duy ngành: bảo mật không còn là phòng thủ bị động, mà phải chủ động đứng về phía khách hàng, trao cho họ sự an tâm như một quyền lợi mặc định. Thay vì đợi rủi ro xảy ra mới xử lý, nhà băng chủ động “đi trước một bước” bằng chính sách bảo hiểm mất tiền trên kênh số, áp dụng cho toàn bộ khách hàng cá nhân. Ngân hàng cam kết bồi hoàn nếu rủi ro xuất phát từ hệ thống hoặc hành vi gian lận nằm trong khả năng kiểm soát. Đây là bước đi cụ thể cho triết lý mới về bảo mật: khách hàng không chỉ được phục vụ an toàn, mà còn được bảo vệ một cách chủ động và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, ngân hàng triển khai hệ thống giám sát giao dịch bằng trí tuệ nhân tạo (AI), vận hành liên tục 24/7. Công nghệ AI không chỉ giám sát giao dịch thường nhật, mà còn học hành vi cá nhân hóa của từng khách hàng để phát hiện sớm những bất thường.

Nhân viên MB hướng dẫn khách hàng bảo mật tài khoản.
Đặc biệt, MB đã kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý. Điều này cho phép ngân hàng thực hiện đối soát thông tin tài khoản của người nhận tiền ngay trước khi giao dịch được thực hiện. Đây là một biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả, giúp MB ngăn chặn các giao dịch lừa đảo ngay từ giai đoạn đầu, bảo vệ cả người gửi và người nhận tiền.
Song song với đó, ngân hàng cũng đầu tư vào nguồn lực con người để vận hành và phát triển hệ thống bảo mật theo thời gian thực. MB hiện có hơn 2.000 kỹ sư công nghệ thông tin cùng khoảng 300 chuyên gia dữ liệu, chuyên trách giám sát, phân tích và xử lý các rủi ro an ninh mạng. Đội ngũ này không chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống nội bộ mà còn tham gia hỗ trợ các tổ chức khác trong ngành xử lý sự cố quy mô lớn, cho thấy năng lực bảo mật ngày càng tiệm cận những tiêu chuẩn cao nhất.
“Chuyển đổi số và bảo mật không thể tách rời. Chúng tôi không chỉ số hóa dịch vụ, mà số hóa cả hệ thống phòng vệ. Trong thế giới số, việc bảo vệ khách hàng phải bắt đầu từ trước khi rủi ro hình thành”, đại diện MB chia sẻ.
Bằng cách biến bảo mật thành năng lực chủ động và có hệ thống, MB đang tái định nghĩa ngân hàng như một nền tảng bảo vệ tài sản số toàn diện – nơi khách hàng có thể giao dịch an toàn và được bảo vệ như một quyền tất yếu trong kỷ nguyên số.


Gần một thập kỷ trước, khi MB bắt đầu nghĩ về hành trình số hóa, ít ai hình dung tới ngày 70% nhân sự mới tuyển của ngân hàng này không đến từ ngành ngân hàng. Với MB, đó không chỉ là một thay đổi về con số – mà đó là một cuộc cách mạng về tư duy con người.
Trên hành trình chuyển đổi số, ban lãnh đạo MB nhanh chóng nhận ra: năng lực số không chỉ nằm ở kỹ thuật hay công nghệ. Một ngân hàng số thực sự đòi hỏi khả năng đọc hiểu dữ liệu, phân tích hành vi người dùng, vận hành nền tảng số – những vị trí trước đây trong ngành chưa từng tồn tại.
Để thích nghi, MB lựa chọn một hướng đi táo bạo: thay đổi toàn diện cách thức tuyển dụng và phát triển con người. Bằng cấp ngân hàng, tuổi tác hay kinh nghiệm ngành không còn là tiêu chí then chốt. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, nhân viên chỉ cần chứng minh được năng lực thực chiến và tinh thần học hỏi, dù chưa tốt nghiệp đại học cũng có thể trở thành trưởng nhóm, trưởng phòng. Ngược lại, những quản lý kỳ cựu từ lĩnh vực khác, khi gia nhập MB, cũng sẵn sàng học lại từ đầu để hòa mình vào dòng chảy số hóa.

MB định hướng xây dựng đội ngũ nhân sự số hóa.
Không chờ đợi nguồn lực có sẵn trên thị trường, MB chủ động “ươm mầm” thế hệ nhân sự mới từ sớm. Ngân hàng hợp tác với nhiều trường đại học lớn, phát hiện và đào tạo các bạn trẻ ngay từ năm hai, năm ba. Khi danh sách sinh viên xuất sắc vừa công bố, nhà băng thường là đơn vị “đặt hàng” đầu tiên – bởi trong cuộc đua chuyển đổi số, tốc độ chính là lợi thế.
Song song với việc xây dựng con người, MB cũng tái cấu trúc cách thức vận hành. Nhà băng thực hiện số hóa, đồng bộ hóa toàn bộ quy trình, từ thiết kế sản phẩm, vận hành nội bộ đến cách giao tiếp giữa các nhóm. Đồng thời, ngân hàng cũng áp dụng rộng rãi các phương pháp làm việc hiện đại như Agile và Design Thinking. Những thay đổi này giúp MB xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, phản ứng nhanh và thúc đẩy hợp tác đa ngành – các năng lực cốt lõi để phát triển ngân hàng trong tương lai.
“Ngân hàng của tương lai không cần thêm người ngân hàng – mà cần những người có tư duy số để kiến tạo một hệ sinh thái tài chính mới”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, chia sẻ.

Sau gần một thập kỷ kiên định theo đuổi chiến lược số hóa, MB đã chuyển mình thành một nền tảng tài chính số toàn diện, với hệ sinh thái tài chính đa dạng bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ và tài chính tiêu dùng. Từ ngân hàng truyền thống, MB đã xây dựng thành công cộng đồng số hóa với hơn 31 triệu người dùng và hướng đến mục tiêu tiệm cận 35 triệu khách hàng trong năm 2025.

Trong lĩnh vực an ninh mạng, MB tiên phong kết nối hệ thống với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, triển khai bảo mật chủ động và bảo hiểm mất tiền trên kênh số cho toàn bộ khách hàng cá nhân. Nhờ đó, ngân hàng đã ngăn chặn thành công trung bình hơn 28 tỷ đồng giao dịch bất thường mỗi tháng, đồng thời giảm tới 95% tỷ lệ lừa đảo tài chính cá nhân qua tài khoản.

Một số giải thưởng về Chuyển đổi số của MB.
Những nỗ lực trong hành trình chuyển đổi số của ngân hàng cũng đã được quốc tế ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như “Ngân hàng có sáng kiến chuyển đổi số tiêu biểu” tại Asian Banker Vietnam Awards 2023, “Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam” tại Vietnam Digital Awards 2022, và gần đây là “Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc 2024” do Bộ Thông tin & Truyền thông trao tặng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái, đích đến cuối cùng không chỉ là quy mô hay thị phần. Điều MB thực sự hướng tới là trở thành doanh nghiệp tài chính số dẫn đầu, nơi tư duy đổi mới và năng lực kiến tạo xu hướng trở thành giá trị cốt lõi.

Đây là tuyên ngôn phát triển dài hạn, thể hiện khát vọng tái định nghĩa vai trò ngân hàng trong kỷ nguyên số – từ nơi lưu giữ tài sản, trở thành nền tảng công nghệ đồng hành, bảo vệ người dùng mỗi ngày.
Nội dung: Ngọc Lệ
Thiết kế: Ngân Hà
Ảnh: Tùng Đinh, MB