Masan Consumer (MCH) lên kế hoạch doanh thu 33.500-35.500 tỷ đồng, tăng 10-15% so với năm trước, mở rộng phân khúc cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi.
Thông tin nêu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của doanh nghiệp, tổ chức ngày 25/4. Theo đó, MCH ghi nhận doanh thu thuần 7.489 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp duy trì mức cao 46,7%, trong khi lợi nhuận hoạt động (EBIT) đạt 1.736 tỷ đồng, tăng tương ứng với tốc độ doanh thu. Doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gần 14% trong quý I/2025.

Các sản phẩm của Masan Consumer. Ảnh: MCH
Động lực thúc đẩy kết quả tích cực của công ty đến từ tăng trưởng xuyên suốt ở các ngành hàng: gia vị (tăng 15,9%), đồ uống (tăng 8,7%), cà phê (tăng 39,8%), sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (tăng 13,0%). Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế tăng 73,2% so với cùng kỳ, nhờ mở rộng hoạt động xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm dưới 1% tổng doanh thu.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, với kết quả kinh doanh tốt tốt trong quý I cùng chiến lược rõ ràng, năng lực vận hành vững chắc, Masan Consumer đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong năm 2025. “Bên cạnh việc dẫn đầu thị trường nội địa, MCH kỳ vọng củng cố vai trò tiên phong trong quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, đại diện doanh nghiệp nói.
Theo ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer, năm nay công ty đặt kế hoạch doanh thu từ 33.500 đến 35.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 10-15% so với năm trước. Chiến lược trọng tâm bao gồm mở rộng phân khúc cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, với sáng kiến mới “Quán xá châu Á” của thương hiệu Omachi – hướng đến các bữa ăn đường phố châu Á với giá chỉ khoảng 1 USD. MCH ứng dụng công nghệ tiên tiến từng dùng cho sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín để mang đến giải pháp tiện lợi, chi phí hợp lý cho người tiêu dùng.

Khách hàng mua sắm tại hệ thống WinCommerce. Ảnh: MCH
Ở mảng gia vị, Chin-su và Nam Ngư tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu, gắn liền với phong cách sống và văn hóa ẩm thực Việt. MCH cũng đẩy nhanh tốc độ ra mắt sản phẩm mới thông qua mô hình tăng tốc (APLM), các sản phẩm mới được thử nghiệm tại WinCommerce trước khi mở rộng ra thị trường toàn quốc. Cụ thể, mô hình này giúp rút ngắn thời gian ra thị trường, nâng cao tỷ lệ thành công của các phát kiến mới. Quá trình bắt đầu bằng các thử nghiệm nghiêm ngặt tại Trung tâm Đổi mới Tiêu dùng (CIC) của MCH, sau đó sản phẩm được ra mắt tại các cửa hàng WCM, nơi phản hồi trực tiếp giúp tối ưu hóa sản phẩm.
Một số thương hiệu nổi bật như Wake-Up 247, Bupnon Tea365, Chanté thể hiện tính hiệu quả của mô hình này, giúp rút ngắn thời gian ra mắt và gia tăng xác suất thành công thương mại.
Về thị trường quốc tế, năm 2025 công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20%, tập trung vào các quốc gia chiến lược như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Dòng sản phẩm tương ớt Chin-su tiếp tục là đại diện chính cho chiến lược “Go Global”, được hãng định vị là biểu tượng ẩm thực Việt Nam với chất lượng cao, bao bì hiện đại.

Sản phẩm của doanh nghiệp được quảng cáo tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: MCH
Bên cạnh những nổi bật về sản phẩm và thương hiệu, Masan Consumer còn sở hữu mạng lưới phân phối thực phẩm với hơn 313.000 điểm bán truyền thống, 8.500 điểm bán hiện đại và 82.000 điểm bán ngoài gia đình. Đây là lợi thế giúp công ty phủ rộng sản phẩm, tối ưu chi phí logistics và triển khai chiến dịch tiếp thị hiệu quả.
Kênh phân phối được tăng tốc qua hệ sinh thái WiN+. Mô hình này là thí điểm của WinCommerce, hợp tác với các đối tác bán lẻ truyền thống, cung cấp danh mục sản phẩm thiết yếu và ưu đãi trung thành cho đối tác và người tiêu dùng. Qua đó, MCH tương tác trực tiếp với người tiêu dùng và cá nhân hóa trải nghiệm.
Doanh nghiệp còn triển khai, chương trình hội viên WiN với hơn 11 triệu người dùng đang là “cầu nối vàng” giữa nhãn hàng – nhà bán lẻ – người tiêu dùng. Thông qua chương trình này, MCH có thể tối ưu hóa chiến lược giá, quảng bá, phân phối và chăm sóc khách hàng.
Kết thúc năm 2024, MCH đạt doanh thu 1.300 tỷ đồng từ hoạt động xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong nước, công ty phục vụ hơn 72 tỷ bữa ăn thông qua sản phẩm nước mắm, phân phối hơn 2,4 tỷ sản phẩm thực phẩm tiện lợi. “Với độ phủ tại 98% hộ gia đình Việt và hiện diện tại 26 thị trường quốc tế, MCH sẵn sàng bước vào chương tiếp theo trên hành trình dẫn đầu nội địa – bước ra thế giới”, ông Trương Công Thắng nói.
Theo báo cáo của Chứng khoán HSBC 2024, Masan Consumer duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng CAGR 20%, biên lợi nhuận gộp 46% và EBITDA đạt 27% giai đoạn 2022-2024, thuộc nhóm dẫn đầu ngành FMCG Đông Nam Á.
Hoàng Đan