Mánh ‘lách luật’ nhận hơn 43 tỷ đồng của Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp

Cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Hoàng Quốc Hùng nhắc không ghi thông tin nơi ở trên tờ khai nhằm hợp thức thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp, qua đó nhận 43 tỷ đồng.

Ông Hoàng Quốc Hùng (cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp) cùng hai cấp dưới Lương Nhân Hòa (cựu Phó giám đốc), Nguyễn Đình Cảnh (cựu Phó phòng hành chính tổng hợp) và Phạm Quang Hậu (cộng tác viên Công ty Luật TNHH Vicco) vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ, ngày 15/5.

Cùng vụ án, bốn công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ của Văn phòng công chứng Lại Khánh và Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 14 người còn lại bị truy tố tội Đưa hối lộ.

Cả 22 người bị truy tố ra trước TAND TP HCM để xét xử, VKSND TP HCM được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Từ năm 2011 đến tháng 2/2025, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp. Trung tâm có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và người Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú. Còn lại giấy được cấp tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành.

Tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan tra cứu, xác minh thông tin án tích. Khi đủ thông tin, trung tâm sẽ cấp phiếu với lệ phí 200.000 đồng/lần/người.





Ông Hoàng Quốc Hùng, tháng 4/2023. Ảnh: Phạm Dự

Ông Hoàng Quốc Hùng, tháng 4/2023. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo trạng, nhằm hợp thức hóa thẩm quyền và lý do được cấp phiếu tại đơn vị, ông Hùng yêu cầu Hậu hướng dẫn người xin cấp không ghi thông tin nơi thường trú, tạm trú và quá trình cư trú trên tờ khai. Sử dụng hộ chiếu thay cho căn cước công dân vì trên hộ chiếu không thể hiện nơi cư trú.

Ông sau đó yêu cầu các bộ phận chức năng cấp dưới phải tiếp nhận, tra cứu và cấp phiếu cho hồ sơ không ghi nơi thường trú, tạm trú. Ông còn cấm cán bộ của trung tâm trực tiếp làm dịch vụ cấp phiếu để cho Hậu làm trung gian nhận hồ sơ từ người có nhu cầu.

Về chi phí, ông Hùng lấy 700.000 đồng/hồ sơ/phiếu. Còn lại ông để Hậu làm đầu mối nhận hồ sơ, tự thỏa thuận giá với khách hàng và quyết định phần hưởng lợi của mình. Định kỳ chiều thứ 6 hàng tuần, dựa trên số lượng hồ sơ được giải quyết cấp phiếu, Hậu đưa hối lộ cho ông Hùng bằng cách chuyển khoản hoặc trực tiếp đưa tiền mặt tại phòng làm việc.

VKS xác định, từ tháng 1/2019 đến 7/2023, ông Hùng được sự giúp sức của Hậu, Hòa, Cảnh đã nhiều lần nhận hối lộ từ 14 bị can và một số cá nhân, doanh nghiệp với tổng tiền 43,9 tỷ đồng, qua đó cấp gần 56.000 phiếu lý lịch tư pháp trái quy định. Trong số này, ông Hùng hưởng lợi gần 39 tỷ đồng, Hậu hưởng 4,1 tỷ đồng.

Nhằm hưởng lợi bất chính, 14 bị can nhận làm thủ tục sẽ yêu cầu người xin cấp phiếu lý lịch tư pháp phải trả phí bình quân khoảng 2 triệu đồng một hồ sơ. Sau khi trừ đi số tiền hối lộ và các chi phí phát sinh bắt buộc như lệ phí cấp phiếu, dịch vụ bưu chính, dịch thuật, các bị can này được hưởng lợi từ 50.000 đồng, 100.000 đồng hoặc 300.000 đồng với một phiếu được cấp.





Bị can Lương Nhân Hòa (trái) và Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Lương Nhân Hòa (trái) và Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: Bộ Công an

Quá trình điều tra, truy tố, ông Hùng đã tự nguyện nộp 37,1 tỷ đồng đã hưởng lợi để khắc phục, Hậu nộp 1 tỷ đồng và nhiều bị can khác đã nộp lại toàn bộ số tiền đã hưởng lợi.

Công chứng khống tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp

Theo cáo buộc, để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho khách hàng, bị can Nguyễn Xuân Thọ, đại diện Văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco, đã thỏa thuận đề nghị các công chứng viên giúp chứng thực “khống” tài liệu. Giá được Thọ và Văn phòng công chứng Trương Thị Nga (sau đổi tên thành Lại Khánh) và Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm thỏa thuận là 5.000 đồng một tờ tài liệu khống.

Trong đó, nhóm bị can này sẽ chứng thực chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu không có bản chính đối chiếu hoặc chứng thực khống tờ khai yêu cầu cấp phiếu do Thọ tự lập và ký trước mặt công chứng viên.

Công chứng viên sau đó ký, đóng dấu chức danh công chứng viên và dấu của Văn phòng công chứng ở góc dưới. Bên phải tờ giấy A4 trắng để Thọ sử dụng để in đè các tài liệu cần chứng thực. Tất cả đều không lấy số, vào sổ chứng thực theo quy định.

VKS cho rằng, bị can Nga, Khánh với vai trò là công chứng viên, từ tháng 1/2019 đến tháng 7/2023, đã chứng thực “khống”, ký xác nhận “khống” và đóng dấu của Văn phòng công chứng Trương Thị Nga và Lại Khánh lên 34.503 tài liệu. Các tài liệu này được Thọ dùng để đưa vào hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Với chi phí 5.000 đồng một tờ tài liệu khống, bà Nga được Thọ trả 172,5 triệu đồng. Trong đó, Nga hưởng lợi 162,5 triệu đồng, Khánh hưởng lợi 10 triệu đồng.





Người dân viết tờ khai xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Phòng hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Phạm Dự

Người dân viết tờ khai xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Phòng hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Phạm Dự

Từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2023, bị can Vũ Nam với vai trò công chứng viên và Lương Minh Sơn là nhân viên Văn phòng Công chứng, cùng bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ.

Từ tháng 1/2019 đến 3/2023, Nam đã ký chứng thực khống trên 7.280 tài liệu để Sơn đóng dấu của Văn phòng Công chứng Nguyễn Lâm, chuyển cho Thọ đưa vào hồ sơ. Sau khi được Thọ trả 36,4 triệu đồng, bị can Sơn hưởng lợi 18,4 triệu đồng, Nam được chia 18 triệu đồng.

Từ 1/3, Bộ Công an chính thức tiếp nhận nhiệm vụ quản lý và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp; giao Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an các tỉnh thành đảm nhiệm.

Phạm Dự