
Phối cảnh cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây – Ảnh: Sở Tài chính Long An
Ngày 29-4, thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết HĐND tỉnh này đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 3 cầu trên đường tỉnh 827E.
Đường tỉnh 827E khi được hình thành sẽ thành tuyến đường xuyên suốt từ TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang, đồng thời đủ điều kiện để kiến nghị trung ương xem xét nâng thành tuyến quốc lộ 50B theo quy hoạch của Chính phủ.
3 cây cầu này gồm cầu bắc qua sông Cần Giuộc, thiết kế kết cấu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng vòm thép (90m).
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, thiết kế bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng dây văng (90m+150m).
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, thiết kế bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng Extradosed (80m+130m+80m).
Cả 3 cầu đều có tải trọng thiết kế tiêu chuẩn tải trọng áp dụng trên đường cao tốc, khổ cầu rộng 6 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.700 tỉ đồng. Trong đó vốn vay ODA Hàn Quốc hơn 4.000 tỉ đồng, trung ương cấp phát 90% (tương ứng hơn 3.600 tỉ đồng), địa phương vay lại từ trung ương 10% (khoảng 406 tỉ đồng) và tự cân đối vốn đối ứng hơn 736 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án trong năm 2025-2030. Trong năm 2025 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, và giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư xây dựng, thi công hoàn thành.
Tăng cường kết nối giao thông TP.HCM – Đồng bằng sông Cửu Long
Tuyến đường 827E sẽ tăng cường kết nối giao thông giữa TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long và các cửa ngõ quốc tế, giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ N2, quốc lộ 50, đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách an toàn, hiệu quả cùng với bảo vệ môi trường, phòng tránh các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí…
Đây cũng sẽ là tuyến đường kết nối cảng quốc tế Long An và các khu vực tỉnh Tây Nam Bộ với thời gian ngắn nhất, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách ngày càng tăng trong khu vực. Đồng thời kích thích và phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An như nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, các ngành nông nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái và dã ngoại…
Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là hành lang kinh tế quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và đô thị tại khu vực dọc theo tuyến để phát triển kinh tế địa phương.