Lời khai của cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn

TP HCMHồ Đình Thái Hòa thừa nhận đã cấp hơn 39.000 bằng lái không đúng quy định nhưng cho rằng Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn vẫn đảm bảo các điều kiện về giáo viên, xe tập…

Chiều 9/4, Hồ Đình Thái Hòa (50 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn thuộc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T – Công ty 3T, trụ sở tại Đồng Nai) là người đầu tiên bị TAND TP HCM xét hỏi về các sai phạm trong việc đào tạo, cấp hơn 39.000 chứng chỉ không đúng quy định.

Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thức xã hội hóa, chịu sự quản lý về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai quản lý chuyên môn đào tạo lái xe.

Hòa bị cáo buộc là chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ thuê xe tập lái thành xe của trung tâm với số lượng lớn; hợp thức các điều kiện về giáo viên, phòng học, sân tập lái tại trung tâm để được Sở GTVT cấp lưu lượng học viên, phê duyệt kế hoạch đào tạo và Sở LĐTB&XH cấp quy mô đào tạo lớn.

Trả lời HĐXX, bị cáo nói hành vi của mình được nêu trong cáo trạng là không oan sai nhưng “muốn giải thích thêm” về từng cáo buộc.

Theo Hòa, trong quá trình hoạt động, bị cáo đã vận dụng các quy định tại Thông tư 29/2017, điều chỉnh bởi Thông tư 05/2022 về liên kết đào tạo trong giáo dục nghề, để liên kết với một số tổ chức, cá nhân.

Do vậy, ngoài xe mua sắm, trung tâm còn liên kết với nhiều cá nhân, đơn vị đưa xe vào trung tâm một cách hợp pháp trên cơ sở góp vốn. Các xe được đưa vào trung tâm đều đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật như có đăng kiểm, có phanh phụ, xe tải có ghế ngồi, bảng tên ở 2 bên… được Sở GTVT kiểm tra và được công nhận là xe tập lái.





Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa tại tòa ngày 9/4. Ảnh: Hải Duyên

Hòa thừa nhận biết quy định số lượng xe thuê bên ngoài không được quá 50% xe của trung tâm, nhưng về sau quy định không có giới hạn. Việc liên kết đưa xe cá nhân của các giáo viên vào Trung tâm cũng là nhằm giúp họ có cơ hội đầu tư và tăng thu nhập trên chiếc xe của mình. Nhưng việc đưa các xe cá nhân vào Trung tâm dưới hình thức đầu tư vốn không được cơ quan thuế chấp nhận nên bị cáo và các chủ xe phải chuyển sang ký hợp đồng dưới hình thức mua bán.

Tuy nhiên, Hòa thừa nhận việc ký hợp đồng mua bán để đưa xe vào Trung tâm chỉ là giả cách. Trên thực tế, đơn vị chỉ có 138 xe thuộc sở hữu của mình, còn lại là 976 xe liên kết với bên ngoài.

Theo chủ tọa, việc này đã vượt quá mức quy định của pháp luật. Lẽ ra bị cáo phải có đủ số lượng xe cũng như các điều kiện về sân tập, phòng tập chuyên môn. Hòa đáp lại rằng, Trung tâm là đơn vị giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đã được xã hội hóa nên được phép liên kết.

Không chấp nhận quan điểm này, chủ tọa phân tích: “Việc liên kết cũng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thực tế, bị cáo và đồng phạm chỉ hợp thức hóa hồ sơ để đối phó với các đoàn kiểm tra”.

Ký hợp đồng với 1.406 giáo viên nhưng chỉ có 31 người giảng dạy

Tương tự, về điều kiện phòng học, trả lời HĐXX, Hòa thừa nhận theo quy định với lưu lượng 1.000 học viên phải có ít nhất 3 phòng kỹ thuật lái xe và 3 phòng chăm sóc nội bộ. Đối với lưu lượng học viên của trung tâm, để đảm bảo quy định phải có ít nhất 22 phòng học kỹ thuật và 39 phòng nội bộ. Tuy nhiên, số lượng phòng này chỉ đảm bảo vào thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra.

Về điều kiện giáo viên, Hòa thừa nhận có ký hợp đồng với 1.406 giáo viên nhưng trên thực tế chỉ có 31 giáo viên giảng dạy. Hàng tháng Trung tâm chỉ trả lương, đóng BHXH cho những người này, số còn lại không được tập huấn nghiệp vụ, dạy thực hành theo quy định.

Trung tâm có 2 nguồn giáo viên. Thứ nhất là những người chưa biết gì về chuyên môn, nghiệp vụ – sẽ được Trung tâm mở lớp tổ chức tập huấn và có sự giám sát, kiểm tra của Sở GTVT, sau đó qua kỳ kiểm tra để cấp giấy. Nguồn thứ 2 là đã có sẵn giấy chứng nhận, trong đó có người tham gia giảng dạy, có người thỉnh giảng. Họ không được trả lương nhưng Trung tâm vẫn đề nghị cấp giấy thực hành dạy lái xe.

Đối với các học viên được đào tạo bởi các đơn vị liên kết, Hòa cho biết trong các hợp đồng liên kết đào tạo đều quy định trách nhiệm phải đào tạo đúng số giờ; đồng thời Trung tâm có một bộ phận chăm sóc khách hàng có nhiệm vụ gọi điện thoại để nắm tình hình người học và trên thực tế “khi gọi các học viên đều nói đã học”.

Tuy nhiên, khi chủ tọa chất vấn đề việc có hay không đảm bảo theo quy định, Hòa cho rằng các điều kiện về sân, xe, giáo viên, phòng học tuy là hợp thức nhưng vẫn đảo bảo cho việc đào tạo học viên.

Theo bị cáo, “điều đáng tiếc là Trung tâm đã dạy cho học viên không đủ khối lượng của chương trình đào tạo”.

Nguyên giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn khẳng định, chứng chỉ nghề của học viên được cấp là dựa vào nỗ lực của họ để vượt qua kỳ thi.

“Bị cáo đã thiết lập một hệ thống các bài thi bằng công nghệ số, chuẩn mực giống một kỳ thi sát hạch. Những người tham gia kỳ thi đó được tham gia thi là căn cứ vào việc họ đã kết thúc chương trình học, đảm bảo thời gian học, được bộ phận chăm sóc khách hàng đã xác nhận tự tin tham dự thi”, Hòa nói.





Bị cáo Hồ Đình Thái Hoà và đồng phạm tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Bị cáo Hồ Đình Thái Hoà và đồng phạm tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên

Hưởng lợi 459 tỷ đồng

Theo cơ quan công tố, từ 2020 đến 2023, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận phê duyệt cho Trung tâm đào tạo 63.458 học viên với tổng số tiền học phí đã thu hơn 618 tỷ đồng; cấp chứng chỉ sơ cấp nghề bậc một cho hơn 39.000 học viên với tổng số tiền hơn 377 tỷ đồng.

Trong đó, Trung tâm trực tiếp tuyển sinh 4.156 học viên, thu hơn 39 tỷ đồng. Đối với hơn 59.300 học viên còn lại, Giám đốc Hòa chỉ đạo hợp thức điều kiện đào tạo lái xe với công ty do mình thành lập và các cá nhân bên ngoài sử dụng pháp nhân trung tâm để tuyển sinh, thu hơn 578 tỷ đồng. Số tiền này được nộp về trung tâm hơn 119 tỷ đồng, còn lại 459 tỷ chi cho việc tự đào tạo và các cá nhân hưởng lợi trái phép.

Trả lời HĐXX về số tiền thu lợi nộp về trung tâm, Hòa cho biết đã chi tất cả cho hoạt động của cơ sở. Trong đó chủ yếu cho chi phí quản lý, cơ sở hạ tầng, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tổ chức sự kiện như học, kiểm tra, thi tốt nghiệp…

Đối với các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi sai phạm được nêu trong cáo trạng. Một số bị cáo cho rằng, thời điểm thực hiện không biết hành vi của mình là sai phạm, nên đề nghị HĐXX xem xét.

Ông Hòa cùng Dương Văn Đông (cựu phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai) và 8 người bị TAND TP HCM xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ án, bà Nguyễn Thị Mộng Thu (cựu phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai) cùng 2 người khác bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 11/4.

Hải Duyên