Lĩnh 10 năm tù vì mang vòng hoa, cáo phó uy hiếp người nợ dai

Hà NộiBiết bạn có người nợ 800 triệu đồng mãi không trả, Hoàng Thanh Bình mua vòng hoa, in cáo phó quanh ngõ nhà con nợ, giúp đòi tiền.

Ngày 21/5, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Hoàng Thanh Bình, 43 tuổi, án 10 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cáo trạng xác định, cuối năm 2021, anh Linh trú huyện Quốc Oai “cầm” sổ đỏ nhà đất đứng tên chung vợ chồng để vay 30 triệu đồng từ Mai Xuân Cương, 36 tuổi, kinh doanh cầm đồ ở huyện Quốc Oai.

Hai bên thỏa thuận tiền lãi 2.000 đồng cho một triệu đồng trên một ngày, trả theo tháng, thời gian vay không giới hạn. Việc vay mượn thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ.

Sau đó, anh Linh nhiều lần vay thêm tiền của Cương, đều không viết giấy. Tháng 4/2022, anh Linh tiếp tục vay 60 triệu đồng, nâng tổng nợ lên hơn 300 triệu đồng.

Để đảm bảo việc trả nợ, Cương yêu cầu anh Linh phải làm hợp đồng nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng sổ đỏ đã đưa giữ trước đó. Anh Linh đồng ý và tự điền các thông tin như họ tên, năm sinh, số CCCD của anh Linh vào mục bên bán trong “Hợp đồng đặt cọc tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. Giá trị chuyển nhượng được ghi 1,8 tỷ đồng.

Sau khi viết đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Cương, anh Linh đưa lại Hợp đồng trên cho Cương ký vào phần bên mua, trước sự chứng kiến của một người cùng xã. Anh Linh hứa sau 6 tháng sẽ thanh toán tiền gốc 450 triệu đồng và tiền lãi 350 triệu, tổng 800 triệu đồng.

Quá hạn, ngày 1/7/2023, Cương gặp anh Linh yêu cầu trả 800 triệu đồng và được xin khất một tuần.

Tối 7/7/2023, không thấy anh Linh đến trả tiền, Cương kể sự việc cho bị cáo Bình và nhờ hỗ trợ đòi tiền.

>>Bốn cách đòi tiền khi người vay không chịu trả

Cương và Bình bàn sẽ đặt vòng hoa tang, in hình ảnh của anh Linh vào “áp phích”, “giấy cáo phó” thể hiện nội dung anh đã chết đặt ở tường, cổng nhà nhằm buộc anh Linh và gia đình trả nợ.

Cương đưa ảnh chân dung của anh Linh để Bình chỉnh sửa làm ảnh thờ, đồng thời bảo “làm được thêm hình ảnh gì thì cứ làm”, cáo trạng nêu.

Bình, Cương rủ Nguyễn Hoài Nguyện, 35 tuổi, đi cùng “có tí việc”. Khi đến nhà anh Linh, nhóm này đặt vòng hoa tang tại cổng và treo tấm áp phích đòi nợ lên tường bao. Thấy con gái anh này ra xin dừng, nhóm Bình đáp: “Bố mày nợ tiền của tao không trả”. Vợ anh Linh nói với nhóm này: “Lúc nào bán được đất thì trả”.

Nhóm Bình không đồng ý, bảo mai sẽ quay lại dán giấy tiếp. Ra về, Cương đưa 3 triệu đồng cho Bình vì đã giúp đòi nợ, hẹn mai đi tiếp.

Y hẹn, chiều hôm sau, Bình và Nguyện hẹn nhau xuống nhà anh Linh dán cáo phó ghi tên anh này khắp đường làng ngõ xóm. Khi Cương báo tin anh Linh vẫn “chưa có động tĩnh gì”, Bình trấn an mai sẽ đi dán cáo phó tiếp giúp bạn.

Ngày 13/7/2023, anh Linh gửi đơn đến Công an huyện Quốc Oai tố giác nhóm người này. Hai hôm sau, Cương và Nguyện bị bắt. Tháng 9/2024, hai người đã bị phạt tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Bình bỏ trốn, và ra đầu thú sau 5 tháng.

Đòi nợ thế nào cho đúng?

Việc chủ nợ bỗng trở thành bị cáo, lĩnh án tù do đòi nợ sai cách không phải hiếm. Tháng 3/2023, chị em Mai Thị Lan Duyên 29 tuổi và em trai Mai Ngọc Ánh, 23 tuổi, bị TAND Hà Nội phạt lần lượt 11 và 7 năm tù về tội Cướp tài sản.

Tòa xác định Duyên bị bạn lừa đầu tư chứng khoán, mua nhà giá rẻ, buôn phụ kiện song không thể đòi lại được tiền, Mai Thị Lan Duyên cùng em trai đến nhà trói chân tay để gây sức ép.

Trong vụ án tương tự, tháng 12/2024, Phạm Hồng Quyên, 33 tuổi do bức xúc vì đặt cọc một tỷ đồng mua đất nhưng không thành, hai năm sau đối tác vẫn chưa trả hết tiền cọc, đã rủ bạn mang “nắm đấm” đi đòi nợ. Quyên sau đó bị phạt 15 năm tù.





Nhóm đòi nợ của Phạm Hồng Quyên trong phiên tòa tháng 12/2024 tại TAND Hà Nội. Ảnh: Danh Lam

Nhóm đòi nợ của Phạm Hồng Quyên trong phiên tòa tháng 12/2024 tại TAND Hà Nội. Ảnh: Danh Lam

Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) khuyên để tránh vướng lao lý, chủ nợ nên có cách hành xử hợp lý. Trước hết, chủ nợ cần tự xác định hoặc nhờ người có chuyên môn pháp luật tư vấn việc con nợ không trả nợ là “có dấu hiệu hình sự hay chỉ là tranh chấp dân sự thông thường”.

>>Đòi nợ khiến con nợ trầm cảm, tôi có phải chịu trách nhiệm?

Theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền là có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,chủ nợ cần tố cáo hành vi của con nợ tới cơ quan công an. Khi đó, người vay không những phải trả nợ mà còn đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi con nợ không có một trong các hành vi nói trên, việc vay chỉ là giao dịch dân sự, chủ nợ có quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Tránh việc đòi nợ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, luật sư khuyên chủ nợ không được có một trong các hành vi sau:

– Nếu dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công (con nợ, người thân của con nợ…) lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có thể phải đối mặt với tội Cướp tài sản (điều 169 Bộ luật Hình sự 2015).

– Nếu đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (chưa đến mức làm cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được) nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản (điều 170)

– Với hành vi bắt cóc con nợ hoặc người thân của con nợ để đòi nợ, chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tộiBắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169).

– Chủ nợ có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con nợ hoặc của người thân của con nợ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155). Dù tội này ít nhiêm trọng hơn các tội trên nhưng hình phạt tối đa cũng 5 năm tù.

Hải Thư