Lật tẩy kịch bản ‘quân xanh – quân đỏ’ của Tập đoàn Thuận An tại dự án nghìn tỷ

Dàn xếp liên danh và lập hồ sơ “quân xanh

Lật tẩy kịch bản ‘quân xanh - quân đỏ’ của Tập đoàn Thuận An tại dự án nghìn tỷ ảnh 1
Điều chỉnh Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 30 bị can trong vụ án sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An và một số đơn vị liên quan về các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết luận điều tra, mối quan hệ cá nhân giữa Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An – và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) là điểm khởi đầu cho chuỗi hành vi vi phạm pháp luật.

Khi biết Ban Quản lý dự án (QLDA) Tuyên Quang sắp mời thầu Gói thầu số 26 (giai đoạn 2 của Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ), Huy chủ động đề nghị với Hưng đưa Thuận An vào tham gia, với điều kiện được bố trí các đội thi công địa phương. Thuận An sẽ đảm nhiệm phần cung ứng vật tư, kỹ thuật và quản lý chất lượng.

Sau khi đồng ý, Hưng đã gặp Trần Viết Cương, Phó Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang, để đề xuất nâng giá dự toán vì cho rằng giá quá thấp. Tuy nhiên, đề xuất này bị từ chối. Không dừng lại ở đó, Cương tiếp tục giới thiệu hai công ty Hiệp Phú và Thành Hưng, để liên danh với Thuận An. Khi Thành Hưng rút lui, Công ty Licogi 14 được đưa vào thay thế, nhằm hoàn thiện năng lực liên danh.

Sau buổi làm việc với các bên, ông Cương đã chỉ đạo cấp dưới sao chép và gửi toàn bộ dự toán chi tiết của gói thầu (tài liệu mật) cho Thuận An và các đơn vị liên danh, trái quy định về bảo mật thông tin đấu thầu. Trên cơ sở bản dự toán này, Thuận An tiến hành phân tích và lập hồ sơ dự thầu với vai trò nhà thầu chính.

Để hợp thức hóa quy trình, kịch bản “quân xanh – quân đỏ” được kích hoạt. Các công ty Thuận An, Hiệp Phú và Licogi 14 là “quân đỏ”, những đơn vị thật sự tham gia thi công. Đồng thời, để đảm bảo số lượng tối thiểu ba nhà thầu theo quy định, hai “quân xanh” là Công ty Tự Lập và Công ty 68 được đưa vào. Các hồ sơ thầu của “quân xanh” này được lập giả bởi chính cán bộ kỹ thuật của Thuận An, từ nội dung thuyết minh, tài chính, nhân sự đến dự toán.

Tất cả quá trình điều phối, phân công lập hồ sơ, chuẩn bị giấy tờ đều diễn ra trong các nhóm Zalo nội bộ như “Ban Kế hoạch – Kỹ thuật”, “Cao tốc TQ–PT”. Một nhân vật trung gian – Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Công ty Việt Tiến (do Huy quản lý), đóng vai trò “người của Thuận An”, trực tiếp điều hành cả nhóm liên danh lẫn các công ty “gắn tên” nộp hồ sơ.

Tháng 9/2023, Ban QLDA Tuyên Quang phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu số 26, thi công đoạn tuyến Km0+00 – Km11+300, với mục tiêu mở rộng lên 4 làn xe. Tổng mức đầu tư toàn tuyến được nâng lên 3.753 tỷ đồng, với phần lớn vốn từ ngân sách Trung ương.

Ngày 15/9/2023, Thuận An cùng Hiệp Phú và Licogi 14 ký thỏa thuận liên danh, phân chia tỷ lệ thực hiện công việc: Thuận An 51,34%, Hiệp Phú 30,27%, Licogi 14 chiếm 18,39%. Giá dự thầu được thống nhất là 90.497.413.075 đồng.

Đáng chú ý, chỉ 4 ngày sau khi nộp hồ sơ, Ban QLDA Tuyên Quang đã mời liên danh đến thương thảo và phê duyệt trúng thầu ngay hôm sau (ngày 6/10/2023), đúng bằng giá dự thầu đã thống nhất trước đó. Ngày 9/10/2023, hai bên chính thức ký hợp đồng, hiện thực hóa toàn bộ kịch bản dàn dựng.

Đường đi của những khoản tiền “cảm ơn” và chia lợi ích

Kết quả điều tra cho thấy, sau khi trúng thầu và được tạm ứng vốn, Tập đoàn Thuận An đã thực hiện việc “chi hoa hồng” cho các bên liên quan, thông qua các khoản tiền “cảm ơn” và chia phần lợi ích ngầm.

Nguyễn Văn Huy nhận 2 tỷ đồng từ Thuận An thông qua Công ty Việt Tiến. Khoản tiền này được gọi là “hỗ trợ địa phương”, nhưng thực chất là lại quả từ việc tạo điều kiện tiếp cận gói thầu.

Trần Viết Cương, Phó Giám đốc Ban QLDA, nhận 500 triệu đồng sau khi “bật đèn xanh”, giới thiệu đối tác liên danh và cung cấp thông tin mật. Phần lớn các khoản chi này được hợp thức hóa dưới dạng chi phí tư vấn kỹ thuật, khảo sát, hoặc tạm ứng ngoài sổ sách, một phần thanh toán bằng tiền mặt.

Riêng Chủ tịch Thuận An Nguyễn Duy Hưng khai đã đưa tổng cộng 10 tỷ đồng để được chỉ định là nhà thầu chính. Trong đó, 7 tỷ đồng là khoản “cảm ơn” ban đầu, 3 tỷ đồng còn lại được chi sau khi trúng thầu như một phần chia lợi nhuận dự án.

Từ toàn bộ dữ liệu điều tra, có thể thấy đây là một hệ thống dàn xếp có tổ chức, không chỉ để trúng thầu, mà còn nhằm bảo đảm lợi ích cho từng nhóm vai trò: Doanh nghiệp chính (Thuận An) giữ vai trò điều hành và thi công; Đơn vị địa phương (Huy – Việt Tiến) đảm nhiệm môi giới và hậu cần; Cán bộ nhà nước (Cương) tạo điều kiện bằng cách cung cấp thông tin mật và định hướng liên danh. Các “quân xanh” được dựng lên như “bình phong” để hợp pháp hóa quy trình.