
Lâm Đồng mới có đến 2 tổ hợp bô xít nhôm lớn nhất cả nước – Ảnh: M.V.
Ngày 15-5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi báo cáo lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nêu rõ nhiều kiến nghị trọng điểm liên quan đến quy hoạch, phát triển hạ tầng và xin cơ chế đặc thù nhằm phát triển kinh tế – xã hội sau sáp nhập với hai tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông.
Theo báo cáo, sau khi sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, tỉnh mới mang tên Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương có diện tích lớn nhất cả nước, với tổng diện tích 24.233km². Trung tâm hành chính – chính trị dự kiến đặt tại TP Đà Lạt.
Trong bối cảnh mới, UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hỗ trợ từ Trung ương về quy hoạch phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù, trong đó có chính sách tài chính và đầu tư thông thoáng hơn để thu hút dự án, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là cho phép tỉnh giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và năng lượng, nhằm tái đầu tư cho hạ tầng.
“Cơ chế này sẽ tạo động lực lớn giúp tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước”, báo cáo nêu.
Hiện tại, riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có trên 1 tỉ tấn bô xít, 380 điểm quặng kim loại và phi kim loại, 7 điểm saphia và 38 mỏ nước khoáng.
Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận có khoảng 599 triệu tấn titan, chiếm đến 92% sản lượng titan cả nước, cùng nhiều mỏ khoáng sản quý khác như cát thủy tinh, bentonit, zircon, thiếc, vàng…
Tỉnh Đắk Nông sở hữu hơn 1,78 tỉ tấn bô xít, chiếm trên 57% tổng trữ lượng bô xít toàn quốc.
Bên cạnh yếu tố tài nguyên, tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập cũng sở hữu nhiều thế mạnh đặc thù khác như hệ sinh thái khí hậu đa dạng, 1.054.000ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 1,13 triệu héc ta rừng tự nhiên, tiềm năng phát triển du lịch di sản và sinh thái lớn với các danh thắng, khu bảo tồn nổi bật như hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia – Suối Vàng, núi Tà Đùng hay quần đảo Phú Quý…