Ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ sẽ biến nguy thành cơ

thuế đối ứng - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI trình bày báo cáo tại hội thảo – Ảnh: B.NGỌC

Ông Đậu Anh Tuấn – phó tổng thư ký VCCI, nhận định tại Hội thảo thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18-4 tại Hà Nội.

Xuất gỗ vào Mỹ có thể giảm 30%

Ông Tuấn giải thích: Mỹ áp thuế đối ứng với 57 quốc gia, trong đó loại trừ 1.039 mặt hàng, phần lớn các mặt hàng của Việt Nam không được loại trừ, vì vậy xuất khẩu vào Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Một yếu tố khác là các nước cùng xuất khẩu vào Mỹ có mức thuế đối ứng thấp hơn Việt Nam (trừ Trung Quốc).

Ngoài doanh nghiệp xuất khẩu, theo đại diện VCCI, những doanh nghiệp làm hạ tầng khu công nghiệp, logistics, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước cũng bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Tuấn, trong số 15 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn vào Mỹ ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn nhất, nếu Mỹ áp thuế đối ứng 10% với các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay.

Ngoài ra, thuế đối ứng còn tác động chuyển hướng thương mại toàn cầu, cạnh tranh tại thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn khi hàng hóa không vào được Mỹ chuyển hướng qua Việt Nam.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: “Nếu thuế đối ứng là 20-25% thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ từ 6-7,5 tỉ USD, tương ứng giảm 1,5% tăng trưởng xuất khẩu, vốn FDI thực hiện sẽ giảm từ 3-5%.

Đối với từng ngành hàng cụ thể, dệt may và da giày vào Mỹ chưa ảnh hưởng lớn khi áp thuế 10%, hiện hai ngành này đang chịu thuế tương đối cao từ Mỹ, trong đó dệt may chịu mức gần 10%, da giày chịu mức thuế khoảng 15%.

Riêng ngành gỗ hiện mức thuế Mỹ đang áp là 2,32%, nếu tăng lên 10%, 20%, 25% sẽ tác động rất lớn”.

thuế đối ứng - Ảnh 3.

Xuất khẩu gỗ được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất từ thuế đối ứng của Mỹ – Ảnh: Đ.TH.

Ứng xử với hàng hóa Mỹ như một nước có FTA

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cuộc đàm phán 90 ngày với Mỹ rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ có lợi cho xuất khẩu trong nước. Hiện Mỹ đang nghi ngờ Việt Nam là nơi lẩn tránh xuất xứ hàng hóa Trung Quốc nên cần giải trình rõ để họ yên tâm, biết doanh nghiệp ta đang làm ăn thế nào.

Nhưng bà Lan cũng nhấn mạnh thuế đối ứng của Mỹ không chỉ có rủi ro mà còn có cơ hội. Việt Nam có FTA với 17 nước nhưng không có với Mỹ, chỉ có BTA, BTA+ với Mỹ. Hợp tác hai bên vẫn dừng ở mức song phương thông thường.

Vì vậy cần đẩy nhanh đàm phán để ứng xử với hàng hóa Mỹ như một nước có FTA với Việt Nam từ hàng rào thuế đến phi thuế quan. Trong quá trình đàm phán cần kết hợp được giá trị nhập khẩu dịch vụ với nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ

Ngoài ra cần tăng mạnh tỉ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ. Tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam khỏi phận gia công, trước khi vươn lên ngưỡng phát triển cao hơn, bà Lan khuyến nghị.

Vị chuyên gia này lưu ý, việc chuyển thị trường mới bao giờ cũng khó hơn giữ thị trường cũ, chi phí mở thị trường mới gấp 3 lần giữ thị trường Mỹ. Vì thế cần giải pháp để giữ thị trường Mỹ, kết hợp với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng hóa cần đa dạng hơn hiện nay.

Còn theo ông Tuấn, để ứng phó với thuế đối ứng, các doanh nghiệp phải tự xoay xở là chính, doanh nghiệp có đơn hàng vào Mỹ cần tính toán giải pháp giảm thiểu rủi ro. Gốc rễ vấn đề là năng lực cạnh tranh, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó vai trò các ngành hàng, hiệp hội cần được phát huy để tham vấn với Đảng, Nhà nước trong đàm phán chiến lược với Mỹ.

Trong khó khăn doanh nghiệp cần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thiệt hại từ thuế đối ứng, các kiến nghị cần nêu rõ để Chính phủ có hành động kịp thời. Đồng thời cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường. 

Việc khai thác thị trường cần vai trò tiên phong từ nhà nước, chứ từng doanh nghiệp, từng ngành hàng rất khó làm, ông Tuấn nói.