Nhật BảnCô giáo Chikako Ishikawa mất tích từ 1978, gia đình tưởng bị bắt cóc, tìm kiếm suốt hơn 20 năm mà không biết đã bị sát hại, giấu xác.
Ngày 22/8/2004, Shinya Wada, 68 tuổi, đến đồn cảnh sát thú tội giết Chikako Ishikawa, cô giáo trẻ mất tích từ năm 1978, chôn thi thể dưới sàn nhà.
Chikako, quê tỉnh Hokkaido, đến Tokyo để dạy nhạc. Còn Shinya là nhân viên bảo vệ tại trường tiểu học nơi cô làm việc.
Theo lời khai, khoảng 16h30 ngày 14/8/1978, khi đang tuần tra quanh tòa nhà dạy học, Shinya va phải Chikako, đôi bên xảy ra cãi vã. Khi Chikako bắt đầu hét lớn, ông ta bịt miệng và bóp cổ. Shinya chôn thi thể dưới sàn nhà khi vợ đi vắng.
Dựa trên lời thú tội, cảnh sát khám xét nhà cũ của Shinya ở phường Adachi và phát hiện một bộ xương người được quấn trong tấm bạt nằm sâu hơn 1 m, bên dưới chiếc bàn sưởi kotatsu trong căn phòng ở tầng một.
Cảnh sát cũng tìm thấy đồ dùng cá nhân của Chikako, bao gồm thẻ rút tiền, ví, mỹ phẩm và quần áo. Kết quả phân tích ADN xác nhận thi thể chính là Chikako.

Cô giáo Chikako Ishikawa mất tích từ năm 1978, thi thể được tìm thấy dưới sàn nhà hung thủ. Ảnh: Tokyo Reporter
Shinya tự thú không phải vì cảm giác tội lỗi. Theo lời khai, sau khi chôn thi thể, ông ta đã “quên mất nó”. Đến năm 1994, ngôi nhà của Shinya được chỉ định nằm trong khu vực điều chỉnh lại đất đai để mở rộng đường. Khi được yêu cầu chuyển đi, ông ta mới nhớ đến thi thể.
Vào khoảng thời gian này, Shinya bắt đầu gia cố ngôi nhà, lắp cổng sắt cao 2 m ở lối vào, xây tường, hàng rào sắt và dây thép gai bao quanh. Ông ta cũng dựng các tấm chắn bằng nhôm để ngăn mọi người nhìn vào bên trong. Shinya thậm chí còn lắp đèn pha và camera an ninh hồng ngoại ở cổng và phía sau nhà.
Sau khi phạm tội, Shinya vẫn tiếp tục làm việc tại trường và sống trong ngôi nhà giấu thi thể trong nhiều năm, cho đến khi dự án mở rộng đường bắt đầu khởi công, buộc ông ta phải chuyển đi vào năm 2004.
Lo sợ rằng các công nhân xây dựng sẽ phát hiện thi thể và vạch trần tội ác, Shinya ra tự thú. Ông ta nắm rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo luật nên tin rằng sẽ không bị trừng phạt.
Lúc này, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người (vào thời điểm đó là 15 năm) đã qua, nghĩa là Shinya không thể bị buộc tội sát hại Chikako.
Theo Shukan Bunshun, gia đình Chikako không chấp nhận để hung thủ rũ sạch tội ác. Họ đệ đơn kiện dân sự chống lại Shinya, yêu cầu bồi thường khoảng 180 triệu yên. Mục đích của gia đình không phải vì tiền mà muốn Shinya, kẻ đã được tự do sau khi thú tội, phải gánh chịu hình phạt xã hội.
Ở Nhật Bản, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm giết người, sẽ hết hạn sau 20 năm. Trọng tâm của phiên tòa dân sự là thời điểm bắt đầu tính thời hạn 20 năm.
Nếu tính từ thời điểm Shinya giết Chikako và vứt xác, tổng cộng là 26 năm, quyền nộp đơn yêu cầu bồi thường đã hết. Nhưng nếu việc vứt xác khiến hành vi giết người bị che giấu, thời điểm phạm tội không thể xác định rõ thì sao?
Tòa án quận Tokyo ra phán quyết sơ thẩm rằng thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đối với hành vi “giết người” đã hết, nhưng cho rằng Shinya vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự cho hành vi vứt xác và ra lệnh bồi thường 3,3 triệu yên.
Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Tokyo khi phúc thẩm vụ án đã bác bỏ phán quyết sơ thẩm, công nhận Shinya phạm tội giết người, vứt xác và ra lệnh trả 42,25 triệu yên.
Shinya kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Thẩm phán chỉ ra rằng “thủ phạm cố ý che giấu cái chết của nạn nhân hơn 20 năm qua, việc không cho phép gia đình nạn nhân thực hiện bất kỳ quyền nào là hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc công lý và công bằng”.
Tòa án Tối cao bác đơn kháng cáo của Shinya, tuyên bố “vô cùng bất công khi thủ phạm che giấu cái chết của nạn nhân lại được miễn nghĩa vụ bồi thường”.
Gia đình đã tìm kiếm Chikako suốt hơn hai thập kỷ, tin rằng cô bị bắt cóc. Những bức ảnh đóng khung của Chikako vẫn được anh trai, Ken, cất giữ trong nhà. Người thân không ngờ Chikako đã bị sát hại từ lâu, nhưng điều khiến họ phẫn uất hơn cả là hung thủ không phải trả giá cho tội ác. Kết quả của phiên tòa dân sự chỉ có thể coi là một phần của công lý.
“Họ nói rằng sau 15 năm, cảm xúc của nạn nhân sẽ lắng xuống và bằng chứng sẽ mất đi. Nhưng gia đình nạn nhân sẽ không bao giờ quên được. Thật điên rồ. Hắn là kẻ giết người, nhưng chúng tôi không thể làm gì được”, ông Ken bày tỏ bức xúc.
Sau vụ án, cũng trong năm 2004, Nhật Bản kéo dài thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người lên 25 năm. Đến 2010, Quốc hội Nhật Bản đã sửa đổi Luật tố tụng hình sự để bãi bỏ thời hiệu đối với tội giết người và các tội khác dẫn đến chết người, nghĩa là không còn giới hạn thời gian để truy tố những tội ác như vậy.
Tuệ Anh (Theo Tokyo Reporter)