GDP Mỹ giảm 0,3% trong quý I, chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế mới có hiệu lực.
Ngày 30/4, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP nước này giảm 0,3% trong quý I. Diễn biến này ngược với quý IV/2024 là tăng 2,4%.
Trước đó, ngày 29/4, giới chức Mỹ công bố số liệu cho thấy thâm hụt hàng hóa tháng 3 của nước này lên cao kỷ lục, do nhập khẩu tăng vọt. Tính chung cả quý I, nhập khẩu hàng hóa tăng tới 50,9%. Nhập khẩu tăng khiến GDP giảm sút. Việc này khiến phần lớn nhà kinh tế học phải giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Mỹ.

Người dân mua sắm trong một trung tâm thương mại ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters
Số liệu hôm nay được công bố trùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump kỷ niệm 100 ngày đầu nhậm chức. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Mỹ đang dần mất niềm tin vào tầm nhìn kinh tế của Tổng thống Trump.
Trong cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos công bố hôm 27/4, chỉ 36% người được hỏi hài lòng với cách ông Trump quản lý nền kinh tế, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ hiện tại và cả nhiệm kỳ trước đây của ông. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nhờ các cử tri bất mãn với nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng kinh tế Mỹ có thể không ảm đạm như báo cáo GDP, do tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng, dù với tốc độ chậm. Trong quý I, tiêu dùng tăng 1,8%, còn đầu tư tăng 21,9%.
Một số nhà kinh tế học cho biết việc nhập khẩu bất thường lượng lớn vàng trong quý I đã gây sức ép lên số liệu GDP. Số khác cho rằng báo cáo này vẫn phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn vì bất ổn quanh chính sách thuế.
Số liệu mới nhất cho thấy niềm tin tiêu dùng tháng 3 hiện ở mức thấp nhất 5 năm. Niềm tin kinh doanh cũng lao dốc. Nhiều hãng hàng không đã hạ dự báo kết quả kinh doanh cho năm 2025, với lý do người dùng có thể ngại chi cho các chuyến bay không cần thiết vì thuế nhập khẩu. Trước đó, các nhà kinh tế học đã cảnh báo thuế nhập khẩu có thể làm tăng chi phí với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Lạm phát Mỹ đã tăng tốc trong quý trước và được dự báo tiếp tục tăng năm nay. Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) tăng 3,6% quý I, cao hơn so với 2,4% quý cuối năm ngoái. Dù vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn được kỳ vọng giảm lãi suất.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ khởi xướng khiến kinh tế thế giới liên tiếp biến động vài tháng qua. Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ đối tác thương mại, riêng Canada, Mexico là 25% và Trung Quốc là 145%. Các sản phẩm như nhôm, thép, xe hơi cũng bị áp thuế riêng. Trung Quốc, Canada đều đã tung biện pháp trả đũa.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)