Kiện người tổ chức nhậu sau khi con chết vì lái xe lúc say rượu

TAND thành phố Trường Thục, tỉnh Giang Tô, vừa xét xử một vụ án liên quan đến tranh chấp về quyền sống, toàn vẹn thân thể và sức khỏe do tai nạn xe máy điện khiến một người tử vong trong tình trạng say rượu.

Hồ sơ thể hiện, khoảng 11h ngày 4/7/2023, anh Từ ăn cơm với các bị đơn Lỗ, Giang, Trần và những người khác tại một nhà hàng ở thành phố Trường Thục. Trong bữa ăn, Từ và nhiều người đã uống rượu. Tàn tiệc, anh ta lái xe điện hai bánh đi về.

Khoảng 13h39, chiếc xe mất lái và đâm vào một cái cây. Vụ tai nạn khiến Từ bị thương, tử vong cùng ngày.

Giám định pháp y cho thấy nồng độ ethanol trong máu của Từ ở mức cao. Cảnh sát giao thông xác định, Từ trực tiếp gây ra vụ tai nạn vì lái xe trong tình trạng say rượu, không kiểm soát được phương tiện một cách an toàn. Từ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn.

Theo giám định, phanh bánh trước và bánh sau của chiếc không hoạt động hiệu quả.

Sau sự việc, gia đình anh Từ đã kiện các bạn nhậu của anh này ra tòa, gồm Lỗ, Giang, Trần. Họ yêu cầu ba người phải chịu trách nhiệm bồi thường tổng cộng hơn 440.000 nhân dân tệ (1.6 tỷ đồng).

Hai người mời nhau 5 lít rượu trong bữa trưa

Trong phiên tòa, Lỗ khai Giang đề nghị đi ăn nhậu vào ngày xảy ra tai nạn và là người trả tiền. Tổng cộng có 7 người ăn và bữa tối kết thúc khoảng 12 giờ trưa.

Trong bữa ăn, chỉ có Lỗ và Từ uống rượu gạo, khoảng 5 lít. Vào thời điểm đó, mọi người nâng ly chúc mừng nhau nhưng không ai ép ai uống.

Lỗ và Từ thường xuyên uống rượu cùng nhau, biết rõ tửu lượng từng người và nghĩ với lượng rượu đó thì “không sao”. Tàn cuộc, vợ Giang trả tiền, mỗi người một xe máy điện tự đi về.

Trần và Giang cũng khai không uống chút rượu nào hôm đó, chỉ có Lỗ và Từ mời nhau. Giang thậm chí khuyên 2 người bạn uống ít vì buổi chiều vẫn phải đi làm.

Tòa nhận định, căn cứ vào lời khai của bị đơn, có thể xác định Giang là người đứng ra mời và tổ ăn trưa.

Trong buổi tiệc, không có chứng cứ nào chứng minh 3 bị đơn có hành vi sai trái như rủ rê, ép buộc người khác uống rượu hoặc thi uống rượu. Do đó, tòa cho rằng Lỗ và Trần không có lỗi trong cái chết của Từ.

Là người tổ chức tiệc tối, HĐXX cho rằng Giang phải thực hiện nghĩa vụ an toàn của mình trong giới hạn hợp lý với những người đến dự tiệc tối. Theo đó, Giang phải nhắc nhở mọi người uống có chừng mực, thuyết phục uống hợp lý, không khuyến khích lái xe sau khi uống rượu và cung cấp dịch vụ chăm sóc và hộ tống phù hợp cho những người uống quá nhiều để đảm bảo họ trở về nhà an toàn.

Việc Giang không nhắc nhở người khác uống rượu có chừng mực đã khiến Từ uống quá nhiều, và cũng không kịp thời khuyên can không nên lái xe khi say rượu. Giang đã không thực hiện đúng nghĩa vụ an toàn hợp lý của mình và phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của Từ, bản án nêu.

Khi tai nạn xảy ra, Từ đã say rượu. Là người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, toà cho rằng anh phải nhận thức được tình trạng của mình, mối nguy hiểm của việc uống rượu quá mức và có ý thức tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, Từ vẫn tiếp tục hành vi của mình và lái xe điện không có phanh trên đường sau khi uống rượu, dẫn đến tai nạn giao thông và tử vong.

“Anh ta thực sự có lỗi”, tòa nhận định.

Dựa trên những sự kiện và phân tích nêu trên, Giang được xác định phải bồi thường 40.000 tệ (hơn 140 triệu đồng) bao gồm tiền bồi thường tử vong, chi phí tang lễ và tiền an ủi tinh thần phát sinh do cái chết của Từ.

Mỗi người phải có nghĩa vụ nhất định với bạn nhậu

Chủ tọa phân tích, nếu một người tử vong do tai nạn trên đường về nhà sau khi uống rượu, việc những người uống cùng có phải chịu trách nhiệm hay không tùy thuộc vào hành vi của họ trong bữa tiệc.

Nhìn chung, người tổ chức, rủ rê, mời mọi người đi ăn nhậu nên đảm nhiệm trách nhiệm chăm sóc cao hơn, bao gồm việc chú ý kịp thời đến tình trạng thể chất của những người cùng uống rượu trong bữa tiệc. Nếu phát hiện ai đó uống quá nhiều rượu, họ phải kịp thời nhắc nhở, can ngăn và có trách nhiệm đảm bảo an toàn, bố trí phương tiện đưa người này về.

Những người tham gia bình thường có nghĩa vụ thấp hơn. Họ không được thúc ép, khiêu khích hay dùng các biện pháp khác để buộc người khác phải uống rượu. Nếu đã làm đúng nghĩa vụ này, nếu có sự việc xảy ra, họ không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Hải Thư (Theo Sohu, QQ, The paper)