
TP HCMPhải trả khoản tiền 127 triệu đồng do kẻ trộm dùng thẻ tín dụng mua hàng, ông Nguyễn Trần Hưng Long kiện ngân hàng yêu cầu hoàn trả nhưng không được chấp nhận.
Ngày 10/7, TAND Khu vực 1 TP HCM xét xử vụ tranh chấp sử dụng thẻ tín dụng giữa nguyên đơn Nguyễn Trần Hưng Long (người mở thẻ tín dụng) và bị đơn là Citibank.
Ông Nguyễn Phi Hùng (người sử dụng thẻ tín dụng) và Ngân hàng UOB (mua lại khối bán lẻ của Citibank) được xác định là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Bị trộm ví có thẻ tín dụng khi qua Mỹ du lịch
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2013, ông Long ký hợp đồng mở hai thẻ tín dụng với Citibank. Trong đó, ông là chủ thẻ chính, còn thẻ phụ (loại Mastercard) được cấp cho ông Hùng – bạn của ông.
Ngày 11/2/2024, khi cả hai đang du lịch tại Mỹ, họ bị kẻ trộm lấy mất ví, trong đó có chứa các thẻ tín dụng của Citibank và một ngân hàng khác. Ngay sau đó, ông Hùng phát hiện thẻ tín dụng phụ do mình sử dụng đã bị kẻ gian dùng để thực hiện hai giao dịch bất hợp pháp với tổng trị giá hơn 4.900 USD (tương đương gần 127 triệu đồng).
Ngay sau khi phát hiện, ông Hùng đã thông báo sự việc cho Citibank, yêu cầu từ chối thanh toán các giao dịch nói trên và làm việc với cảnh sát tại Los Angeles – nơi xảy ra vụ mất trộm. Tuy nhiên, theo ông Hùng, dù các giao dịch vẫn đang ở trạng thái “pending” (chờ xử lý) trong hệ thống ngân hàng, Citibank không có biện pháp ngăn chặn. Đến ngày 16/2, tức 4 ngày sau khi báo mất, hai giao dịch trên được ngân hàng chấp thuận.
Sau khi trở về Việt Nam, ông Hùng liên hệ lại với Citibank để đề nghị không phải chịu trách nhiệm thanh toán các giao dịch gian lận như trình báo. Tuy nhiên, phía ngân hàng từ chối, yêu cầu ông và ông Long (chủ thẻ chính) phải chi trả toàn bộ số tiền phát sinh.
Lo ngại việc chậm thanh toán sẽ ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng, ông Long và ông Hùng đã tạm thanh toán số tiền 127 triệu đồng theo yêu cầu của Citibank.
Cho rằng bản thân không phải người giao dịch cũng như thụ hưởng mà do bị kẻ gian thực hiện, ông Long nhiều lần yêu cầu Citibank phải hoàn trả số tiền mình đã bỏ ra để thanh toán. Không được chấp nhận, ông khởi kiện ra tòa.
Ông Long yêu cầu Citibank hoàn trả toàn bộ số tiền 127 triệu đồng đã thanh toán, bồi thường hơn 9 triệu đồng tiền lãi phát sinh và 18 triệu đồng tổn thất tinh thần.
Quá trình thụ lý và tại tòa hôm nay, đại diện Citibank cho rằng từ ngày 1/3/2023, ngân hàng đã chuyển nhượng toàn bộ khối dịch vụ bán lẻ cho Ngân hàng UOB và việc này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Kể từ thời điểm đó, ông Long không còn là khách hàng của Citibank, các giao dịch phát sinh sau ngày 1/3/2023 thuộc trách nhiệm xử lý của UOB. Do đó, bị đơn không có trách nhiệm đối với yêu cầu của nguyên đơn.
Theo Citibank, nguyên đơn đã khởi kiện “sai đối tượng”, nên đề nghị tòa đình chỉ xét xử vụ án.
Ngược lại, ông Long và ông Hùng khẳng định toàn bộ quá trình mở, sử dụng thẻ, trao đổi qua email, hotline, giao diện ứng dụng đều hiển thị logo Citibank. Do đó, trong nhận thức của họ các giao dịch phát sinh là đang thực hiện với Citibank.
“Tôi đã nhiều lần xác nhận qua email rằng mình không thực hiện các giao dịch gian lận. Thế nhưng, ngân hàng lại phản hồi rằng đó không phải là giao dịch gian lận khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm và bức xúc”, ông Hùng nói. Ông cũng cho biết, với thẻ tín dụng của ngân hàng khác (bị mất cùng thời điểm), ngay sau khi ông báo mất thì họ đã xử lý và hoàn trả toàn bộ số tiền liên quan đến các giao dịch không hợp lệ.
Luật sư Ngô Quí Linh – người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, cho rằng việc chuyển nhượng giữa Citibank và UOB là vấn đề nội bộ giữa hai bên, không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm cho khách hàng. Theo ông, UOB không gửi thông báo xác nhận đến khách hàng, nên không đảm bảo đầy đủ quy định về việc chuyển giao nghĩa vụ.
Theo luật sư Linh, việc chuyển giao hợp đồng mở thẻ tín dụng của nguyên đơn và bị đơn cho UOB là chưa phù hợp với quy định pháp luật tại Điều 369, 370 Bộ luật Dân sự 2015 về việc chuyển giao, kế thừa quyền nghĩa vụ của các bên. Tức, UOB chưa thực hiện việc thông báo cho nguyên đơn về việc sẽ chịu trách nhiệm với các giao dịch phát sinh từ thẻ Citibank đã cấp. Do đó, quan hệ hợp đồng giữa nguyên đơn và Citibank vẫn tồn tại – là lý do nguyên đơn xác định CitiBank là bị đơn để khởi kiện.
Luật sư cũng viện dẫn nhiều quy định tại Thông tư 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước và các điều khoản sửa đổi, bổ sung, cho rằng ngân hàng có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ. “Khách hàng đã báo mất và yêu cầu chặn giao dịch khi các giao dịch vẫn còn ở trạng thái ‘chờ xử lý’, nhưng ngân hàng không thực hiện. Đây là cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện”, ông Linh nói.
Bị đơn: chuyển giao quyền sở hữu giữa Citibank và UOB là hợp pháp
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Citibank, cho rằng việc chuyển giao quyền sở hữu giữa Citibank và UOB là hợp pháp, nguyên đơn biết và đã đồng ý. Thực tế, trong các thư điện tử gửi đến khách hàng đều có nội dung nói “Citibank đã chuyển giao cho UOB” và nguyên đơn vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của ngân hàng, không phản đối.
Từ đó, phía Citibank cho rằng nguyên đơn phải kiện UOB, còn Citibank không có nghĩa vụ nên không phải chịu trách nhiệm.
Đại diện UOB xác nhận, từ ngày 1/3/2023 ngân hàng này đã nhận chuyển giao quyền nghĩa vụ khối bán lẻ, khách hàng của Citibank là khách hàng của họ. Do thỏa thuận của các bên nên sau thời gian chuyển giao, các đầu mối liên hệ và logo Citibank vẫn được UOB hiển thị và sử dụng.
Về trách nhiệm với khoản tiền khách hàng phải trả khi kẻ gian sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm, đại diện UOB cho rằng “trách nhiệm bảo vệ thẻ thuộc về khách hàng”. Hơn nữa, trong trường hợp này, giao dịch bất hợp pháp được thực hiện trước thời điểm khách hàng báo cho ngân hàng về việc mất thẻ, nên chủ thẻ phải chịu trách nhiệm. Phía UOB không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau nhiều giờ xét xử, chiều cùng ngày, HĐXX tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo HĐXX, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thể hiện Citibank đã hoàn tất việc chuyển nhượng khối bán lẻ cho UOB từ tháng 3/2023 và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Ngày 10/3/2024, Citibank đã gửi thông báo và nguyên đơn đã biết về việc chuyển giao này. Giao dịch bất hợp pháp xảy ra sau thời điểm các ngân hàng hoàn tất việc chuyển giao. Tòa đã giải thích pháp luật về việc thay đổi chủ thể này nhưng nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu.
Hơn nữa, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc UOB từ chối giải quyết yêu cầu khiếu nại của mình. Tòa dành cho nguyên đơn quyền khởi kiện lại trong một vụ án khác.
HĐXX và đại diện VKS không cho nhà báo dự phiên tòa công khai
Trước khi diễn ra phiên xử, phóng viên đã trình thẻ nhà báo đề nghị tham dự để đưa tin nhưng chủ tọa Hoàng Thị Ánh thông qua thư ký yêu cầu phải xuất trình thêm giấy giới thiệu (theo quy định của pháp luật là không cần thiết).
Khi phóng viên đã bổ sung giấy giới thiệu, chủ tọa liên tục hỏi “biết thông tin vụ án qua đâu, làm sao biết hôm nay mở phiên tòa này để đến dự…”. Bà Ánh sau đó chuyển giấy giới thiệu của phóng viên cho ông Nguyễn Hồng Thái – đại diện VKS, để “xin ý kiến về việc có mặt của nhà báo”.
Ông Thái nói rằng, theo quy định nhà báo được phép tham dự các phiên tòa nhưng phải thông báo trước, song việc nhà báo “có mặt tại phiên tòa hôm nay là đã đặt HĐXX vào sự việc đã rồi”. Ông đề nghị HĐXX “không đồng ý cho phóng viên dự phiên tòa” nhưng không thể đưa ra căn cứ pháp luật.
Trong khi đó, theo Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tại các phiên tòa dân sự, VKS thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng, nhằm đảm bảo các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng thực hiện đúng pháp luật.
Mất hơn một giờ “vừa xử án, vừa xử lý phóng viên”, chủ tọa nói đây là phiên tòa công khai, không có nội dung cần bảo mật nên phóng viên được tham dự.
Hải Duyên