
Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp pin lithium toàn cầu – Ảnh: FedEx
Vận chuyển pin lithium phải đầu tư logistics hiện đại
Hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx vừa đưa ra nhận định trong bối cảnh Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch, ngành pin lithium nổi lên như một mũi nhọn quan trọng để đáp ứng nhu cầu xe điện và lưu trữ năng lượng tái tạo.
Theo bà Ee-Hui Tan để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu pin lithium trong khu vực, Việt Nam không chỉ cần đầu tư sản xuất mà còn phải phát triển đồng bộ hệ thống logistics, đặc biệt là năng lực vận chuyển pin lithium an toàn, hiệu quả và đạt chuẩn quốc tế.
Hiện quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu hơn 39% năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện vào năm 2030, và áp dụng hoàn toàn xe điện vào năm 2050.
IMARC Group dự báo thị trường pin lithium-ion Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 10,1% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2033, nhờ nhu cầu bùng nổ từ xe điện và năng lượng sạch.
Dù vậy việc vận chuyển pin là một vấn đề. Pin lithium được phân loại là hàng nguy hiểm (Dangerous Goods – DG) vì đặc tính dễ cháy nổ và đòi hỏi tiêu chuẩn vận chuyển nghiêm ngặt. Các tổ chức quốc tế như IATA và ICAO đặt ra quy định chặt chẽ về đóng gói đạt chứng nhận Liên hợp quốc (UN), nhãn mác, chứng từ và quy trình giao nhận.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu pin lithium bắt buộc phải đầu tư logistics hiện đại, không chỉ để tuân thủ quy định mà còn đảm bảo an toàn hàng hóa, giảm thiểu rủi ro, rút ngắn thời gian giao hàng và duy trì uy tín với khách hàng quốc tế.
“Logistics không chỉ là chi phí mà là lợi thế cạnh tranh” – bà Tan nhấn mạnh. Doanh nghiệp càng đầu tư đúng mức vào vận chuyển pin lithium an toàn, hiệu quả thì càng có khả năng tiếp cận và giữ chân khách hàng toàn cầu.
Kinh nghiệm từ các trung tâm sản xuất pin hàng đầu
Thực tế, các trung tâm pin lithium lớn trên thế giới đều coi logistics là hạ tầng chiến lược. Tại Sơn Đông (Trung Quốc), chính quyền địa phương đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp, từ nhà máy sản xuất, kho bãi, cảng biển đến sân bay.
Mô hình liên kết chặt chẽ này giúp giảm chi phí, tăng tốc độ vận chuyển và đảm bảo an toàn hàng hóa, trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng trên thị trường quốc tế.
Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển theo hướng đó, đặc biệt khi các địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh đang thu hút nhiều dự án sản xuất pin lithium quy mô lớn. Tuy nhiên muốn trở thành trung tâm xuất khẩu pin của khu vực, hạ tầng logistics cần được đầu tư đồng bộ từ kho lưu trữ, vận tải nội địa đến dịch vụ hàng không, đường biển đạt chuẩn quốc tế.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics quốc tế đã phát triển dịch vụ vận chuyển pin lithium trọn gói, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về đóng gói, nhãn mác và vận chuyển. FedEx, chẳng hạn, cung cấp giải pháp chuyên biệt cho hàng nguy hiểm với đóng gói đạt chuẩn UN, dán nhãn chính xác và vận chuyển thông qua mạng lưới toàn cầu.
Mỗi năm FedEx vận chuyển an toàn hàng triệu lô hàng chứa pin và thiết bị pin lithium, phục vụ nhiều lĩnh vực từ năng lượng sạch đến y tế, công nghệ cao.
Điều này cho thấy việc hợp tác với các đối tác logistics uy tín sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ chuẩn quốc tế, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm rủi ro và nâng cao sức cạnh tranh.
Để tận dụng tối đa cơ hội, bà Ee-Hui Tan cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao và cải cách thủ tục pháp lý.
Chỉ khi xây dựng được hệ sinh thái logistics hiện đại và tuân thủ chuẩn mực quốc tế, ngành pin lithium Việt Nam mới thật sự sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị năng lượng sạch toàn cầu, không chỉ là nhà sản xuất mà còn là đối tác tin cậy trong xuất khẩu.