Hồi sinh ngành sản xuất tại Mỹ khó hơn ông Trump nghĩ ra sao?

Theo Economist, chính sách của ông Trump không giải quyết mà còn làm khó thêm thách thức về lao động, quy định và hạ tầng khi ‘hồi hương’ sản xuất.

Cuối thập niên 1940, khi phần lớn công suất công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản còn đang trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh, Mỹ chiếm hơn một nửa tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, đến năm ngoái, tỷ lệ này chỉ còn hơn 10% và Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa nhiều hơn xuất khẩu đến 1.200 tỷ USD. Đây là thực trạng mà Tổng thống Donald Trump không hài lòng.

Đặt mục tiêu tái thiết ngành sản xuất, ông dựng hàng rào thuế quan, qua đó buộc các doanh nghiệp đưa dây chuyền trở về Mỹ. Một số tập đoàn lớn như hãng dược phẩm Eli Lilly hay thiết bị điện Schneider Electric bắt đầu lên kế hoạch thực hiện.

Gần hơn. hôm 14/4, Nvidia công bố kế hoạch sản xuất chip AI và siêu máy tính với mục tiêu tạo ra hạ tầng trí tuệ nhân tạo trị giá 500 tỷ USD tại Mỹ trong 4 năm. Ngày 28/4, IBM thông báo sẽ sản xuất máy tính lượng tử và máy chủ trong nước.

Nhưng nhiều doanh nghiệp khác, từ PepsiCo đến Diageo, cảnh báo rằng chính sách thuế quan làm gia tăng chi phí và ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo Economist, ông Trump có thể đang đánh giá thấp những thách thức khi đưa sản xuất về Mỹ.

Đầu tiên là thiếu lao động. Ngành công nghiệp thép – nơi sản phẩm nhập khẩu bị đánh thuế 25% như một trong những đòn đầu tiên của cuộc chiến thương mại – là ví dụ điển hình cho nỗ lực sử dụng thuế nhập khẩu để hồi sinh sản xuất.

Cạnh tranh từ nước ngoài là lực cản nhưng không phải thách thức lớn nhất đối với các công ty thép Mỹ. Vấn đề chính của họ là thiếu công nhân.”Tất cả nhà sản xuất đều đang phải vật lộn với nhân lực, không riêng gì chúng tôi”, Katherine Miller, phát ngôn viên Nucor – nhà sản xuất thép lớn nhất của Mỹ nói.





Công nhân hàn ống thép để sản xuất máy gặt đập liên hợp HCC ở Illinois ngày 21/2. Ảnh: Reuters

Công nhân hàn ống thép để sản xuất máy gặt đập liên hợp HCC ở Illinois ngày 21/2. Ảnh: Reuters

Mỹ đã ngừng đào tạo diện rộng công nhân nhà máy từ nhiều thập kỷ trước. Nhiều người dân nước này coi những công việc trong nhà máy là bấp bênh vì toàn cầu hóa đã buộc phải đóng cửa nhiều khu vực sản xuất trong nước.

Đến nay, lương trung bình của công nhân sản xuất tại Mỹ hiện cao hơn 2 lần Trung Quốc. Tuy nhiên, mức này vẫn không đủ hấp dẫn để thu hút người Mỹ vào làm việc trong nhà máy. Theo khảo sát mới nhất của Cục Thống kê Dân số Mỹ, cứ 5 nhà máy thì có 1 không thể tuyển đủ người để vận hành hết công suất.

Không riêng ngành thép, lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài muốn sản xuất tại Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc thiếu hụt lao động lành nghề như thợ hàn, thợ điện, hay công nhân vận hành máy. Gần đây, TSMC cho biết dự án sản xuất chip tại bang Arizona đang bị “hạn chế bởi tình trạng thiếu lao động”.

Dù vậy, nhiều người kỳ vọng vào sự hỗ trợ của robot. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick từng khẳng định “đội quân hàng triệu người vặn từng con ốc nhỏ lắp iPhone” sẽ sớm quay về Mỹ, nơi công việc sẽ được tự động hóa.

Nhưng thực tế Liên đoàn Robot quốc tế cho hay đến năm 2023, Mỹ có 295 robot công nghiệp trên mỗi 10.000 công nhân sản xuất, thua xa Trung Quốc (470) và đặc biệt là Hàn Quốc (1.012). Ngược với tuyên bố của ông Lutnick, Apple được cho là đang có kế hoạch lắp ráp iPhone xuất sang Mỹ tại Ấn Độ.

Rào cản thứ hai là khó khăn khi xây nhà máy. Chi tiêu cho phát triển cơ sở sản xuất mới tại Mỹ (điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, nhờ các khoản trợ cấp dưới thời chính quyền Biden. Tuy vậy, nhiều dự án đang bị chậm trễ hoặc đình trệ.

Hãng hóa chất châu Âu Solvay đã tạm dừng dự án nhà máy sản xuất hydrogen peroxide tại Arizona. Pallidus, công ty Mỹ sản xuất linh kiện chip, cũng đã hủy bỏ kế hoạch xây nhà máy tại South Carolina. Tình trạng này phản ánh những rối ren trong ngành xây dựng Mỹ.

Theo nghiên cứu năm 2023 của hai học giả Austan Goolsbee và Chad Syverson thuộc Đại học Chicago, năng suất lao động trong ngành xây dựng Mỹ – tính theo đầu ra trên mỗi công nhân – đã giảm 40% so với đỉnh cao những năm 1960. Nguyên nhân được cho là do quy định rườm rà, tâm lý “không xây dựng gần nhà tôi” (NIMBY) và thiếu động lực hoàn thành đúng hạn. Ngoài ra, ngành xây dựng cũng chịu áp lực lớn từ tình trạng thiếu lao động.

Tiếp đến, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Hơn một nửa trong số 50.000 nhà máy trên toàn nước Mỹ đã trên 30 năm tuổi và độ tuổi trung bình của nhà máy là khoảng 50 năm. Điều này cho thấy hệ thống công nghiệp Mỹ đang già cỗi và quá tải, theo Economist.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng không khá hơn. Lưới điện quốc gia phần lớn được xây dựng từ những năm 1960–1970, nay đã gần hết hạn sử dụng – là một trong những nguyên nhân gây mất điện ngày càng thường xuyên.

Việc kết nối các nhà máy mới vào hệ thống điện cũng mất nhiều năm chờ đợi. Hạ tầng giao thông cũng đáng báo động. Theo Hiệp hội Xây dựng Đường bộ Mỹ, một phần ba số cầu trên cả nước cần sửa chữa hoặc thay thế. Điều này khiến Mỹ tụt lại xa so với mạng lưới logistics hiện đại, trơn tru tại Đông Á.

chính sách của ông Trump cũng khiến tham vọng đưa sản xuất trở về Mỹ khó hơn chứ không phải giải quyết các vấn đề trên, theo Economist.

Chính sách siết nhập cư và trục xuất người lao động không giấy tờ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động trong cả ngành sản xuất và xây dựng. Hay như thuế quan làm tăng chi phí đầu vào, từ thép xây dựng đến thiết bị sản xuất. Gần một phần ba linh kiện trung gian được dùng trong sản xuất tại Mỹ là hàng nhập khẩu, nên giá thành bị đội lên đáng kể.

Đầu tháng 4, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cảnh báo các nhà sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu và có thể gặp phải sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế quan khiến nhiều doanh nghiệp do dự trong việc đầu tư hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nhiều lãnh đạo cho biết họ đang chờ xem thuế nào áp lên quốc gia nào rồi mới quyết định.

Nhà sản xuất quạt và động cơ đến ebm-papst (Đức) cũng đã tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Mỹ hoặc mở rộng các cơ sở hiện có tại đây do rủi ro thuế quan có thể kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế. “Nếu kinh tế Mỹ suy giảm, nhu cầu tiêu dùng cũng có thể thay đổi theo”, CEO Klaus Geissdoerfer nói.

Marco Arduini, CEO công ty linh kiện ôtô EuroGroup Laminations (Italy) nói nếu buộc phải chuyển sản xuất sang Mỹ, họ sẽ đối mặt với thuế quan áp dụng cho loại thép đặc biệt. “Việc tránh được thuế quan tiềm tàng tại Mỹ không đồng nghĩa là có thể bù đắp cho chi phí tăng thêm và nguồn cung thép hạn chế”, ông nói. Ngoài ra, chi phí lao động tại Mỹ cao gấp 6 lần so với Mexico.

Điểm sáng đến thời điểm này là dù ngành sản xuất của Mỹ có thu hẹp, nước này vẫn giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ: từ dược phẩm đến bán dẫn. Mỗi năm, Mỹ đầu tư gần 1.000 tỷ USD vào R&D, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Nhưng việc ông Trump đẩy nước Mỹ vào thế đối đầu thương mại có thể đe dọa vai trò đó.” Thay vì cố gắng quay về quá khứ, tổng thống nên để nước Mỹ tập trung thiết kế tương lai”, Economist khuyến nghị.

Phiên An (theo The Economist, Reuters)