Quảng NamSau gần 20 năm định danh là thành phố du lịch nổi tiếng, Hội An sắp tới không còn tồn tại với tư cách thành phố – một đơn vị hành chính cấp huyện.
Quyết định này nằm trong chủ trương của Trung ương về tinh gọn bộ máy hành chính, xóa bỏ mô hình cấp huyện, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh, xã). Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ hợp nhất với thành phố Đà Nẵng để có một thành phố Đà Nẵng với không gian phát triển lớn hơn.
Theo phương án sắp xếp được HĐND TP Hội An thông qua chiều 24/4, các phường trung tâm hiện tại gồm Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam, Cẩm Kim sẽ hợp nhất thành phường mới mang tên Hội An. Các phường Cẩm Hà, Thanh Hà, Tân An, Cẩm An sẽ hình thành phường Hội An Tây, và Cẩm Châu, Cửa Đại, Cẩm Thành sáp nhập thành phường Hội An Đông. Riêng xã Tân Hiệp vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Nằm ở vị trí chiến lược tại cửa sông Thu Bồn, Hội An từng được biết đến với tên gọi Lâm Ấp phố, một thương cảng sầm uất từ thế kỷ 16. Dưới thời các chúa Nguyễn, nơi đây nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm thương mại quốc tế, thu hút các thuyền buôn từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các thương nhân không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang đến những luồng văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, biến Hội An thành điểm giao thoa độc đáo giữa Đông và Tây.
Chùa Cầu – biểu tượng của thành phố – là minh chứng cho sự hòa quyện văn hóa Việt – Nhật, trong khi các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông của người Hoa và nhà cổ Tấn Ký lưu giữ dấu ấn của cộng đồng di cư. Các ghi chép của thương nhân phương Tây từng mô tả Hội An như một “viên ngọc quý” của Đông Nam Á, nơi nhịp sống thương mại hòa quyện với sự phong phú của các nền văn minh. Tên gọi Faifo, cách phiên âm của người nước ngoài, dần được thay thế bằng Hội An vào đầu thế kỷ 17, đánh dấu sự định hình của một thương cảng huyền thoại.
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, do sự bồi lấp của sông Thu Bồn và sự nổi lên của Đà Nẵng, Hội An dần mất đi vị thế trung tâm thương mại. Dù vậy, thành phố vẫn duy trì vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của tỉnh Quảng Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Hội An trở thành thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và được công nhận là thành phố vào tháng 1/2008.
Với 1.439 di tích, trong đó khu vực lõi 30 ha tập trung 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4/12/1999. Danh hiệu này không chỉ khẳng định giá trị của một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn mà còn minh chứng cho sự kết hợp văn hóa độc đáo giữa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây.
Mỗi năm, Hội An đón 5-6 triệu lượt du khách, đóng góp nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh Quảng Nam và khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu thế giới. Các sự kiện như Lễ hội đèn lồng, đêm rằm phố cổ, hay các chương trình biểu diễn bài chòi đã trở thành “đặc sản” văn hóa, khiến Hội An liên tục được vinh danh bởi các tạp chí du lịch quốc tế như Travel + Leisure và Condé Nast Traveler.

Du khách tham quan Chùa Cầu. Ảnh: Đắc Thành
Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ với kinh phí 1.670 tỷ đồng cũng đã trình xin ý kiến Trung ương.
Trong bối cảnh sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng, cùng với chủ trương bỏ chính quyền cấp huyện, TP Hội An đứng trước nguy cơ không còn giữ nguyên tên gọi trên bản đồ hành chính. Mặc dù tên gọi “Hội An” vẫn được giữ lại ở phường trung tâm và hai phường mới, nhiều ý kiến lo ngại sự thay đổi này, đặc biệt trong bối cảnh không còn cấp thành phố trực thuộc tỉnh, sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch đã được khẳng định và bản sắc văn hóa độc đáo của đô thị cổ sau hơn bốn thế kỷ hình thành và phát triển.
Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông dù ủng hộ chủ trương sáp nhập nhằm phát triển kinh tế và biến Đà Nẵng thành một đô thị lớn mạnh nhưng vẫn lo ngại một số tác động tiêu cực. “Khi có sự thay đổi về danh xưng thì việc nhận diện thương hiệu sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng”, ông bày tỏ.
Theo ông, việc “mất tên” không chỉ gây khó khăn trong giao dịch quốc tế mà còn làm nhạt đi niềm tự hào về văn hóa Hội An trong tâm thức người dân. Ngoài ra, tương lai của các làng nghề truyền thống, các hoạt động văn hóa phi vật thể như đêm phố cổ, phố đi bộ, bài chòi, cũng có thể bị ảnh hưởng khi bộ máy quản lý cấp thành phố không còn.

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông. Ảnh: Đắc Thành
Việc giao chức năng quản lý cho một phường có thể không đảm bảo nguồn lực và chuyên môn cần thiết để duy trì và phát triển các giá trị này. “Hội An vừa được ghi danh vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, chủ thể nào sẽ tiếp tục thực hiện và việc thực hành sáng tạo trong phạm vi nào, 3 phường, một xã hay chỉ một phường trung tâm?”, ông nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa này đề xuất bổ sung cụm từ “Đô thị cổ” vào tên phường trung tâm để tăng tính nhận diện và phù hợp với tâm thức văn hóa của cư dân bản địa, đồng thời kiến nghị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP Đà Nẵng sau sáp nhập thành lập một trung tâm tại Hội An, giữ nguyên các cơ quan quản lý di sản và văn hóa hiện có.
Ông Võ Tấn Tân, một người dân TP Hội An, cũng ủng hộ chủ trương sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của ông là việc Hội An không còn là thành phố trực thuộc tỉnh, có thể ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị cổ. “Tôi chưa hình dung rõ các chức năng quản lý đặc thù của đô thị cổ sẽ được tiếp nối ra sao trong mô hình mới. Việc áp dụng một khuôn mẫu hành chính cấp xã chung cho cả nước có thể không phù hợp với đặc thù của Hội An”, ông Tân chia sẻ.
Theo ông, hiện nay việc đầu tư hạ tầng do thành phố thực hiện, đảm bảo sự khớp nối giữa các xã, phường. Nếu sau này mỗi phường tự triển khai theo cách riêng thì sẽ thiếu sự đồng bộ. Do đó ông kiến nghị thành phố Hội An nên chuyển thành một phường duy nhất, với diện tích và dân số hiện tại, để tạo thuận lợi cho việc quản lý tập trung, bảo tồn thương hiệu và đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển hạ tầng.
“Nếu Hội An là một phường thống nhất, tôi tin rằng sẽ ít xáo trộn và phát triển bền vững hơn. Việc chia tách thành nhiều phường, xã sẽ gây ra nhiều thách thức”, ông Tân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Nam, nhìn nhận việc sáp nhập là chủ trương lớn, tạo đột phá về bộ máy và không gian phát triển. Ông tin rằng sự hợp nhất sẽ mang lại cơ hội tăng cường nguồn lực, bổ trợ lẫn nhau trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là công tác bảo tồn di sản.
Tuy nhiên để bảo vệ, bảo tồn và phát huy các di sản Hội An, ông cho rằng cần có các giải pháp cụ thể, như nâng cao vai trò của cấp phường và trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa.
Theo chủ trương đã thống nhất, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo hai cấp (tỉnh và xã). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 vào tháng 6.
Đắc Thành