Quảng NamSau 5 năm trồng, hàng rào cây bồ kết dài 7 km ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã lên xanh tốt, ngăn chặn xung đột giữa voi và người.
Hàng cây bồ kết trồng ở ranh giới giữa rừng tự nhiên và rừng sản xuất của người dân thôn Cấm La, xã Quế Lâm, huyện Quế Sơn. Cây cao từ 2 đến 5 m, từ dưới gốc đến ngọn từng chùm gai mọc chi chít.

Những cây bồ kết ra gai lớn, chùm gai có thể dài 30 cm. Ảnh: Đắc Thành
Tại khu bảo tồn, cơ quan nghiên cứu ghi nhận có 8 con voi. Từ năm 2017 đến 2020, đàn voi thường xuyên xuất hiện gần khu dân cư thôn Cấm La, xã Quế Lâm, phá hỏng xô đựng mũ cao su, quật ngã cây. Chúng còn bẻ gãy rừng trồng gỗ keo, tiến sát khu dân cư giẫm đạp ống nước sinh hoạt. Nhiều gốc chuối, nương ngô bị voi giày xéo.
Ông Mai Văn Dưỡng, Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, cho biết sau khi nghiên cứu các giải pháp, đơn vị đã tìm ra phương án trồng cây bồ kết. Loài cây này phát triển nhanh, có thể mọc thêm 60 cm mỗi năm. Lớp gai bồ kết dài, nhọn, bao phủ khắp thân và cành, tạo thành chướng ngại vật khó vượt qua.
Hàng bồ kết hình thành sẽ hạn chế voi từ rừng tự nhiên đến gần khu dân cư, giảm thiểu xung đột với con người. Ngoài ra, cây còn cho quả để làm dầu gội đầu, tạo thu nhập cải thiện sinh kế cho người dân.

Hành lang bồ kết nằm giữa rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Ảnh: Đắc Thành
Năm 2019, Ban Quản lý dự án Trường Sơn Xanh đã đề xuất với Cục Lâm nghiệp hỗ trợ trồng hàng rào xanh bằng cây bồ kết. Qua ba đợt trồng với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng, Ban cùng chính quyền đã trồng 30 ha bồ kết, mật độ 2.000-3.333 cây/ha, các cây cách nhau 1,5-2,5 m, tạo hành lang dài 7 km, rộng 45 m.
Sau 5 năm trồng, đến nay hàng rào bồ kết phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Bình, 72 tuổi, ở thôn Cấm La, cho biết từ khi cây bồ kết trưởng thành, tạo thành hàng rào thì đàn voi đã không về làng phá hoại cây trồng. Gia đình ông từng 4 lần phải chuyển nhà xa rừng để tránh đụng voi.
“Trước đây mỗi lần voi đến, nương rẫy của tôi chẳng khác bãi chiến trường. Thứ chúng ăn, thứ chúng quật ngã. Giờ thì tôi không còn lo nữa rồi”, ông Bình nói.

Những cây bồ kết sau 5 năm trồng đã ra trái. Ảnh: Đắc Thành
Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đánh giá hàng rào cây bồ kết trở thành cột mốc bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế được tình trạng xâm hại rừng, giúp giảm thiểu xung đột giữa người và voi rừng. Nó cũng còn tác dụng là đường băng xanh cản lửa.
Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam, thì cho rằng dự án trồng hàng rào xanh bồ kết không những ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu dân cư mà còn cải thiện sinh kế cho người dân. Cây đã cho quả và người dân có thể thu hoạch để bán.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được tỉnh Quảng Nam thành lập năm 2017. Đây là khu bảo tồn voi đầu tiên ở Việt Nam có diện tích gần 19.000 ha trên địa bàn xã Phước Ninh và Quế Lâm, huyện Quế Sơn. Ngoài đàn voi rừng 8 con đang sinh sống, nơi đây còn có nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, với 215 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 84 họ, 27 bộ. Trong đó, có 32 loài thú, 134 loài chim, 28 loài bò sát và 21 loài ếch nhái.
Đắc Thành