GS Nguyễn Thiện Nhân: Nên hình thành cụm đô thị khi bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh

GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất xác định khái niệm “đô thị” trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp và đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các phường thành cụm đô thị.

Chiều 7/5, thảo luận dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi tại Quốc hội, GS Nguyễn Thiện Nhân nói nhiều đô thị ở Việt Nam như thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã có quá trình hình thành lâu dài, phát triển từ nông thôn lên thị trấn, thị xã rồi thành phố. Đây là mô hình phổ biến trên thế giới và đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, với đề xuất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp mới, cấp huyện bị xóa bỏ, đồng nghĩa với việc các thị xã, thành phố thuộc tỉnh hay thuộc thành phố sẽ không còn tồn tại. Khi đó, cả nước chỉ còn 6 đô thị lớn trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.

“Vậy các yếu tố đô thị còn lại trong lòng các tỉnh sẽ được hiểu như thế nào? Nếu chỉ xem đó là các phường riêng lẻ thì không hợp lý”, ông Nhân đặt vấn đề, cho rằng cần phải có cách nhìn khác.

Ông dẫn chứng các đô thị như Vinh, Thủ Đức, Cần Thơ dù chia thành nhiều phường vẫn là một thể thống nhất, có liên kết về phát triển kinh tế, hạ tầng, văn hóa, dịch vụ. Vì vậy, khi không còn mô hình thành phố thuộc tỉnh, cần có cơ chế để liên kết các phường đó lại thành cụm đô thị thống nhất, đảm bảo phát triển đồng bộ và có sức lan tỏa về kinh tế, xã hội.

Dự thảo luật quy định khi một vấn đề liên quan đến hai phường thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo. Tuy nhiên, theo GS Nhân, quy định này chưa đủ. “Thành phố Thủ Đức có hàng chục phường, nếu không có cơ chế quản lý thống nhất thì sẽ rất khó điều phối hiệu quả”, ông nói.

GS Nhân đề xuất xây dựng cụm đô thị như một “quả đấm kinh tế” tương tự vai trò của các thành phố thuộc tỉnh trước đây nhằm tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh.





GS Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

GS Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Bùi Huyền Mai (Bí thư Quận ủy Thanh Xuân) đề nghị bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra, bà cũng đề xuất trao quyền chủ động cho cấp tỉnh trong việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn nhằm thích ứng với đặc thù quản lý tại các đô thị lớn. Ví dụ, Hà Nội cần được linh hoạt bố trí đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số đông đúc.

Tại tổ Điện Biên, đại biểu Tạ Thị Yên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu) đề xuất làm rõ quy định về “trường hợp cần thiết” khi Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc ở cấp xã. “Phải xác định cụ thể để tránh lạm quyền, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với nguyên tắc cấp nào làm, cấp đó chịu trách nhiệm”, bà nói.

Ngoài ra, nữ đại biểu cũng đề nghị tính toán lại số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo dân số, để đảm bảo công bằng giữa các đơn vị hành chính sau sắp xếp và chưa sắp xếp.

Vũ Tuân