Gỡ khó cho Airbnb ở chung cư

Airbnb - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài lưu trú Airbnb tại một chung cư ở phường Khánh Hội (TP.HCM) mặc dù có bảng cấm treo trước chung cư – Ảnh: TRÍ ĐỨC

Sau nhiều năm phát triển tự phát, việc quản lý mô hình cho thuê căn hộ ngắn ngày tại chung cư thông qua các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Airbnb là yêu cầu cấp thiết tại đô thị du lịch như TP.HCM, đặc biệt khi TP.HCM có thêm vùng du lịch biển Vũng Tàu.

Đề xuất hợp lý

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết mô hình cho thuê lưu trú ngắn ngày thông qua Airbnb và các nền tảng tương tự phát triển nhanh chóng tại TP.HCM, riêng nền tảng Airbnb có khoảng 13.000 căn, trong đó hơn 60% nằm trong nhà chung cư.

Doanh thu từ hoạt động cho thuê căn hộ này ước tính trên 2.000 tỉ đồng/năm.

Theo cơ quan này, Airbnb phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM phản ánh nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu của kinh tế chia sẻ, song pháp lý hiện hành chưa hoàn thiện; mô hình này cũng đã bộc lộ bất cập về an ninh trật tự, quản lý vận hành cũng như quyền lợi cư dân và nghĩa vụ thuế…

Sở Xây dựng cũng khẳng định pháp luật về nhà ở hoàn toàn không có quy định về việc cấm hay không cấm đối với hoạt động cho thuê căn hộ thông qua mô hình kinh tế chia sẻ Airbnb. Nếu cho thuê căn hộ để ở và giao dịch điện tử qua Airbnb, Agoda, Booking… thì không gặp vướng mắc.

Tuy nhiên nếu dùng căn hộ đó để cho thuê với mục đích lưu trú du lịch sẽ chưa đảm bảo các quy định pháp luật về nhà ở. Chính vì vậy, sở này đề xuất cơ chế thí điểm cho thuê căn hộ để ở trong nhà chung cư theo hình thức lưu trú ngắn hạn với thời gian thực hiện thí điểm là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-9-2025.

Để tham gia thí điểm, các chủ hộ phải đáp ứng một số điều kiện như thông qua hội nghị nhà chung cư, bao gồm cả mức phí quản lý vận hành tăng thêm. Ngoài ra, trách nhiệm của chủ nhà được siết chặt khi buộc phải tuân thủ nhiều quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính và tái phạm nhiều lần có thể bị tạm ngừng thí điểm.

Bà Nguyễn Thương Hoài (đại diện cộng đồng cung cấp dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn tại TP.HCM) cho biết đề xuất này là hợp lý bởi đây là mô hình đã được nhiều quốc gia áp dụng.

Theo bà Hoài, từ trước đến nay, hoạt động cho thuê căn hộ ngắn ngày chủ yếu tự phát. Do đó khi có sự quản lý và có các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng… sẽ siết trách nhiệm của các bên, đặc biệt là các chủ căn hộ và bên cung cấp dịch vụ cho thuê.

“Những vấn đề mà cư dân phản ảnh từ trước đến nay như không gian sử dụng chung, tăng thêm phí quản lý, quản lý các vấn đề về an ninh trật tự… sẽ được xử lý triệt để, cả chủ nhà lẫn khách thuê buộc phải tuân thủ mọi quy định khi cung cấp và sử dụng dịch vụ”, bà Hoài nói.

Tuy nhiên, bà Hoài đề xuất các căn hộ đủ điều kiện đã cung cấp dịch vụ cho thuê ngắn hạn trong thời gian qua tiếp tục tham gia thí điểm thay vì phải thông qua hội nghị nhà chung cư bởi chủ sở hữu cho thuê căn hộ là hoạt động hợp pháp đã được quy định tại Luật Nhà ở 2023 và Bộ luật Dân sự 2015.

Airbnb - Ảnh 2.

Du khách thuê Airbnb chuẩn bị vào ở tại một chung cư ở phường Khánh Hội (TP.HCM) vào chiều 24-7 – Ảnh: T.T.D.

Cần làm chuẩn, hài hòa các bên

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – giám đốc marketing khách sạn Vias Vũng Tàu (TP.HCM) – cho rằng cần làm chuẩn mô hình cho thuê căn hộ qua Airbnb với các quy định cụ thể, có sự quản lý sát sao của Nhà nước.

“Cần quy định rõ tiêu chí an ninh trật tự, sinh hoạt của dịch vụ lưu trú này cũng như các tiêu chí khác để người kinh doanh mô hình tự tin thực hiện đúng”, bà Hà đề nghị.

Trong khi đó, theo một giảng viên khoa du lịch Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM), việc đầu tư vào thị trường dịch vụ lưu trú đang được thực hiện theo kiểu phong trào, thấy người khác làm cũng “nhảy vào” đầu tư, không chuyên, ít kinh nghiệm về kinh doanh lưu trú nên chất lượng và tính hiệu quả, sự lan tỏa chưa được như các nước thực hiện.

Để kinh doanh lưu trú mang hiệu quả và cũng giúp người thuê dịch vụ có trải nghiệm tốt, theo vị này, trước hết cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh.

Bên cạnh đó, để khuyến khích và quản lý mô hình Airbnb, các cơ quan quản lý về du lịch như Bộ VH-TT&DL cần xây dựng đề án nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam nhằm phổ biến đến các địa phương. Trong đó có quy định rõ nghiệp vụ về kiểm soát chất lượng, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở lưu trú du lịch Airbnb.

“Bởi đây là mô hình lưu trú chia sẻ nên cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích cho cư dân bằng các quy định về an ninh trật tự, nếu vi phạm thì người kinh doanh sẽ bị tuýt còi”, vị này nói.

Airbnb - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Tăng cường quản lý về thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-7, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng những người có căn hộ phải được hiểu rõ về Airbnb và các điều kiện tham gia, chấp hành pháp luật. Vì vậy cần phải có các tiêu chí để quản lý tốt và đảm bảo các điều kiện để hài hòa lợi ích, cuộc sống và không gian của cư dân.

Trong đó, bà Hòa cho rằng có sự quản lý về mặt thuế; các cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cho thuê căn hộ ngắn hạn phải đăng ký hoạt động kinh doanh và đóng thuế một cách rõ ràng, đàng hoàng khi có thu nhập.

TS Dương Đức Minh – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch – cũng cho rằng cần có một khung pháp lý và công cụ quản lý phù hợp để điều tiết hiệu quả mô hình này.

Cụ thể cần có hành lang pháp lý riêng cho mô hình lưu trú chia sẻ, gồm tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, an ninh, trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ thuế, tách biệt với khách sạn truyền thống.

“Các đơn vị cung cấp lưu trú phải đăng ký kinh doanh hoặc khai báo với chính quyền địa phương, cấp mã số quản lý cho từng địa điểm, kết nối dữ liệu giữa nền tảng như Airbnb với các cơ quan nhà nước”, ông Minh đề xuất.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, các cá nhân và đơn vị tham gia mô hình kinh tế chia sẻ cần dựa trên hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM để thực hiện đúng các quy định về thuế, về an ninh trật tự.

“Cần phải đáp ứng các quy định được cơ quan chức năng đưa ra để đảm bảo quyền lợi khách hàng nhưng cũng bảo vệ cư dân chung cư. Còn việc học theo các nước về cách làm lưu trú chia sẻ chỉ là nội dung tham khảo”, ông Hòa nói.

Airbnb - Ảnh 4.

Cần sự phối hợp của các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới

Theo luật sư Trương Thị Hòa, các đơn vị cung cấp nền tảng xuyên biên giới như Airbnb cần có văn phòng đại diện tại Việt Nam để phối hợp với các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh cũng như đảm bảo quyền lợi của người thuê và người cung cấp dịch vụ cho thuê.

Đặc biệt Airbnb cần có các phương thức đánh giá người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Nếu khách thuê vi phạm, có lịch sử sử dụng dịch vụ kém trước đó cần cung cấp để người cung cấp dịch vụ cho thuê nhà biết, có thể từ chối cung cấp dịch vụ để tránh những hệ lụy và góp phần duy trì an ninh trật tự, chấp hành pháp luật.

Airbnb tại TP.HCM (2019 – 2024)

Số căn hộ cho thuê ngắn ngày: 13.000 căn, hơn 60% nằm trong nhà chung cư

Doanh thu: khoảng 2.000 tỉ đồng/năm

Năm 2023: số tiền thu được truy thu từ Airbnb là trên 50 tỉ đồng

Năm 2025: TP.HCM có 24 chung cư, khu chung cư đang cho thuê căn hộ thông qua ứng dụng trung gian Airbnb với 8.740 căn hộ

(Nguồn: Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Kinh nghiệm từ Pháp và Singapore

Gỡ khó cho Airbnb ở chung cư - Ảnh 3.

Singapore áp mức phạt hành chính rất cao cho trường hợp vi phạm quy định cho thuê Airbnb – Ảnh: BLOOMBERG

Pháp và Singapore đều từng đối mặt với khoảng trống giữa quy định và thực tiễn, dẫn đến các hệ quả tiêu cực cho thị trường nhà ở đô thị. Những điều chỉnh gần đây ở hai nước này phản ánh nỗ lực cân bằng giữa phát triển kinh tế chia sẻ và bảo vệ lợi ích cộng đồng lâu dài.

Tại Pháp: Mô hình Airbnb được pháp luật công nhận nhưng bị giới hạn bởi nhiều quy định, đặc biệt ở các thành phố lớn như thủ đô Paris. Theo quy định trước đây, chủ nhà được phép cho thuê nơi ở chính tối đa 120 ngày mỗi năm mà không cần xin phép chuyển đổi công năng.

Tuy nhiên, nếu cho thuê căn thứ hai hoặc vượt giới hạn thời gian này, người cho thuê buộc phải xin phép và đăng ký thay đổi mục đích sử dụng sang thương mại.

Ngoài ra, chính quyền Paris cũng yêu cầu tất cả căn hộ cho thuê ngắn hạn phải có mã số đăng ký hiển thị công khai trên nền tảng quảng cáo.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Inside Airbnb được báo Euro News dẫn ngày 29-11-2024, có đến 20% căn hộ cho thuê trên Airbnb tại Paris không có giấy phép hợp lệ. Trong số các tin đăng cho thuê, khoảng 89,3% là cho thuê toàn bộ căn hộ thay vì chỉ một phòng, và gần 32% chủ tài khoản sở hữu từ hai căn hộ trở lên.

Trước thực trạng đó, Pháp đã sửa đổi và áp dụng chính sách mới từ 1-1, bao gồm: giảm giới hạn cho thuê từ 120 xuống 90 ngày, đồng thời tăng mức phạt hành chính: 15.000 euro cho vi phạm thời gian cho thuê, 10.000 euro nếu không đăng ký lưu trú, 20.000 euro nếu khai báo sai thông tin sử dụng, và tối đa 100.000 euro cho hành vi thay đổi mục đích sử dụng trái phép bất động sản, theo Cổng thông tin hành chính Pháp ngày 26-11-2024.

Tại Singapore: Dịch vụ lưu trú ngắn hạn dưới 3 tháng đối với nhà ở dân dụng chưa từng được hợp pháp hóa.

Dù hoạt động Airbnb từng tồn tại không chính thức trước năm 2019, các quy định pháp lý từ Cơ quan Quản lý phát triển đô thị Singapore (URA) luôn yêu cầu nhà ở dân dụng chỉ được sử dụng cho mục đích cư trú dài hạn, với thời gian tối thiểu là 3 tháng đối với nhà riêng và 7 ngày đối với căn hộ dịch vụ.

Tuy nhiên việc giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, nhất là trong các khu chung cư do quyền quản lý phân tán. Vi phạm phổ biến là người thuê lại căn hộ tiếp tục cho thuê ngắn hạn mà không được chủ sở hữu hoặc ban quản lý đồng ý.

Chính phủ Singapore cho rằng sự ra vào thường xuyên của khách ngắn hạn ảnh hưởng đến tính riêng tư, an ninh và sinh hoạt cộng đồng, Vì vậy, nước này đã tăng cường chế tài, bao gồm mức phạt hành chính tối thiểu 5.000 SGD (khoảng 4.000 USD) cho các hành vi vi phạm đạo luật quy hoạch.

Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, có thể bị đưa ra tòa với mức phạt lên đến 200.000 SGD (khoảng 157.000 USD) cho mỗi cáo buộc, kèm theo hình phạt tù tối đa 12 tháng, theo báo cáo ngày 1-7 của Đài CNA.

Dưới tác động của sự phát triển nhanh chóng trong nền kinh tế chia sẻ, đặc biệt là các nền tảng cho thuê ngắn hạn như Airbnb, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với những thách thức mới trong quản lý đô thị, thị trường nhà ở và bảo đảm trật tự cộng đồng.

Từng cấm, sau đó nới lỏng, siết quản lý

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nhiều quốc gia cho phép Airbnb hoạt động song siết chặt quản lý cả chủ nhà lẫn khách thuê.

Nhật Bản cho phép Airbnb hoạt động thông qua luật dân cư tư nhân từ năm 2018, giới hạn số ngày cho thuê 180 ngày/năm, song chủ nhà phải đăng ký với chính quyền địa phương, đảm bảo điều kiện PCCC, vệ sinh và báo cáo khách lưu trú cho cảnh sát địa phương.

Còn tại Úc, Airbnb được hoạt động hầu hết ở các bang, có bang giới hạn cho thuê 180 ngày/năm và chủ nhà phải đảm bảo nhiều điều kiện. Tại Mỹ, mỗi thành phố có cách quản lý riêng như cho phép nhưng phải đăng ký giấy phép đặc biệt, giới hạn số lượng khách thuê, giới hạn số ngày…

Ngoài ra, một số quốc gia từng cấm Airbnb sau đó nới lỏng có điều kiện như tại Đức, trong khi Thái Lan chưa cho phép Airbnb hoạt động chính thức nếu không có giấy phép khách sạn.

Bức tranh Airbnb toàn cầu qua 3 năm gần đây

Năm 2022: hơn 400 triệu đêm nghỉ đặt phòng qua Airbnb, doanh thu 8,4 tỉ USD, tăng 40% so với năm trước.

Năm 2023: hơn 448 triệu đêm nghỉ đặt phòng qua Airbnb, doanh thu 9,9 tỉ USD trên toàn cầu, tăng 19,2% so với năm trước.

Năm 2024: hơn 490 triệu đêm nghỉ, doanh thu của Airbnb đạt hơn 11 tỉ USD, doanh thu tăng 12% so với năm 2023.

(Nguồn: Công ty tài chính, dữ liệu Bloomberg tại Mỹ)