Giảm thuế VAT: Đại biểu nói ‘lúc thu rất dễ, lúc hoàn rất khó’, đề nghị quy trách nhiệm

Giảm thuế VAT: Đại biểu nói 'lúc thu rất dễ, lúc hoàn rất khó', đề nghị quy trách nhiệm - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) – Ảnh: GIA HÂN

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Nên giảm thuế VAT đến ngày 31-12-2026

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay do biến động kinh tế thế giới.

Bà Thu cho rằng giảm thuế giá trị gia tăng tác động toàn diện đến toàn xã hội vì thuế này ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Việc giảm thuế này rất ý nghĩa, nhất là khi sắp diễn ra Đại hội Đảng, sắp xếp chính quyền và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2025 – 2030. Đây là sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế 2021 – 2030.

“Kể từ năm 2022 đến nay có tổng 5 nghị quyết về vấn đề này nhưng mỗi nghị quyết chỉ thực hiện được giảm thuế trong thời gian 6 tháng. Vì vậy, lần này Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7-2025 đến hết tháng 5-2026, tức là thời gian giảm thuế gấp 3 lần những năm trước đây là hết sức có ý nghĩa”, bà Thu nhận định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho hay báo cáo Quốc hội có nêu về thời gian giảm thuế có 3 ý kiến khác nhau: giảm 6 tháng đến hết năm 2025, giảm 1,5 năm đến 31-12-2026 và giảm 2 năm.

Ông Thân đề nghị giảm đến 31-12-2026, lý do nếu ta giảm ít quá chỉ dùng trong trường hợp phải giải quyết những việc cấp bách, tức thời mà doanh nghiệp đang phải chống chọi, ví dụ như bão lũ hoặc dịch COVID-19 vừa rồi.

“Tôi nghĩ giảm đến ngày 31-12-2026 để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một định hướng chiến lược và quyết sách trên cơ sở giảm thuế này sẽ có tác dụng hơn”, ông Thân nói.

Đại biểu cũng thiết tha đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu thuế giá trị gia tăng và cơ quan hoàn thuế giá trị gia tăng. Bởi theo ông, hiện nay doanh nghiệp bức xúc vì lúc thu rất dễ nhưng lúc hoàn thuế rất khó.

Ông Thân cho rằng: “Trách nhiệm phải rất sòng phẳng về mặt luật pháp. Ví dụ doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng bị phạt, vậy nếu người ta chứng minh được là người ta đúng mà cơ quan chức năng của Nhà nước hoàn thuế muộn cũng phải trách nhiệm tương tự như thế”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ lưu ý trách nhiệm và thời gian hoàn thuế

Giảm thuế VAT: Đại biểu nói 'lúc thu rất dễ, lúc hoàn rất khó', đề nghị quy trách nhiệm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng – Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng hướng dẫn thuế giai đoạn chuyển tiếp chậm trễ, dễ gây rủi ro pháp lý. Việc giảm thuế trước đây cho thấy hướng dẫn thường ban hành sát thời điểm hiệu lực, khiến doanh nghiệp khó điều chỉnh, dẫn đến sai sót và bị xử phạt.

Do vậy, ông Quân đề nghị Chính phủ cần ban hành hướng dẫn chi tiết sớm, đặc biệt cho giao dịch chuyển tiếp (ký hợp đồng trước, xuất hóa đơn sau).

Mặt khác, đại biểu đề nghị cần đảm bảo giảm thuế đến tay người tiêu dùng, không bị giữ lại ở khâu trung gian.

“Doanh nghiệp giảm thuế đầu ra nhưng không giảm giá bán là không hiệu quả. Chính phủ cần tăng cường kiểm soát giá bán mặt hàng thiết yếu để chính sách hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng đạt mục tiêu”, ông Quân nói.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay ghi nhận ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Thân về trách nhiệm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế.

Theo ông Thắng, việc hoàn thuế hiện được chia làm hai trường hợp: hoàn trước (thực hiện nhanh) và hoàn sau (tối đa 40 ngày theo luật, nhưng sẽ được chấn chỉnh để rút ngắn thời gian).

Giảm thuế VAT làm giảm thu ngân sách nhưng kích thích sản xuất, kinh doanh

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng dự kiến giảm thu ngân sách 39,54 ngàn tỉ đồng (6 tháng cuối năm 2025) và 82,2 ngàn tỉ đồng (năm 2026).

Tuy giảm thu ngân sách, nhưng ông Thắng cho biết chính sách này kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách tài khóa để bù đắp khoản miễn giảm thuế, kế thừa thành công các chính sách tương tự trước đây trong bối cảnh khó khăn kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua hậu quả dịch COVID-19.

Theo ông Thắng, Chính phủ đề xuất kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đến hết năm 2026 do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc giảm thuế tác động tích cực đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Chính phủ sẽ đánh giá lại trước khi chính sách kết thúc để xem xét việc gia hạn.