
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm làm từ gạo đang tăng cường mở rộng thị trường – Ảnh: N.TRÍ
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mới như bún thanh long, bánh tráng không nhúng nước, bánh tráng rau củ… của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng quốc tế.
Sản phẩm mới hút khách, giá trị xuất khẩu tăng mạnh
Là một trong những đơn vị tiên phong đưa bánh tráng không nhúng nước ra thị trường quốc tế, ông Đặng Khánh Duy, tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (tỉnh Tây Ninh), cho biết trong 3 năm qua, sản lượng xuất khẩu của đơn vị đều tăng trưởng trung bình hơn 10% mỗi năm.
Theo ông Duy, đơn vị xuất khẩu nhiều dòng sản phẩm như muối tôm, sốt muối Tây Ninh, bánh tráng chả giò, và đặc biệt dòng bánh tráng không nhúng nước đang rất hút khách quốc tế.
Theo đó dòng bánh tráng không nhúng nước đã được xuất khẩu qua hơn 8 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia; tỉ lệ khách quay lại đạt trên 70%. Ngoài ra khách còn đề xuất hợp tác để phát triển các dòng sản phẩm mới như bánh tráng rau củ…
“Trong 3 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng thêm ít nhất 5 thị trường mới, tập trung vào các nước có nhu cầu cao như Mỹ, Úc, Trung Đông. Riêng năm 2025, Tân Nhiên đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu tăng trưởng hơn 20% so với năm 2024”, ông Duy nói.
Tương tự, là đơn vị xuất khẩu có thâm niên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 28-7, đại diện Công ty Duy Anh Foods (TP.HCM) cho biết mỗi năm đơn vị xuất khẩu khoảng 600 tấn bánh tráng, 500 tấn bún khô, và 400 tấn phở khô, trong đó thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu chiếm khoảng 80% tổng lượng xuất và đang tăng ổn định.
Với đơn vị xuất khẩu sản phẩm cháo, bún, phở… đóng gói đi hàng chục quốc gia, bà Phạm Thị Giàu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây (Bình Tây Food), cho biết từ đầu năm đến nay lượng xuất khẩu tăng tốt, các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… đảm bảo doanh số.
Theo bà Giàu, trong năm 2024, đơn hàng gần như kín cả năm. Hiện nay đơn hàng cũng nhiều, đặc biệt khách hàng từ Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan…
Đặt mục tiêu cao vì giá gạo giảm, quy trình được cải tiến
Theo ông Đặng Khánh Duy, thị trường xuất khẩu luôn tăng trưởng ổn định và doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng 20% cho kênh này trong thời gian tới chủ yếu nhờ nhu cầu ngày càng nhiều từ thị trường, giá thành sản xuất cạnh tranh, đặc biệt sự cải tiến trong quy trình sản xuất để đáp ứng được đơn hàng đi thị trường khó tính Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Cụ thể, đơn vị đảm bảo tất cả sản phẩm đạt các chứng nhận chất lượng quốc tế như FSSC 22000, Halalvà FDA…; tập trung vào hai thị trường hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc với các chiến dịch quảng bá lớn, tăng hội chợ quốc tế để tìm kiếm đối tác. Với thị trường trong nước, hợp tác với thêm đại lý mới, tăng cường hiện diện trên các sàn thương mại điện tử.

Bánh tráng Việt Nam đang được khách hàng từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… khá ưa chuộng
Trong khi đó, theo đại diện Duy Anh Foods, ngoài duy trì thị trường lớn, đơn vị chủ trương xuất khẩu đi nhiều quốc gia, mở rộng sang các nước khác như Malaysia, khu vực Trung Đông với các dòng sản phẩm chính là bánh tráng, phở khô, bún khô… với quy cách 300-400g/gói.
“Thị hiếu thị trường luôn thay đổi nên phải đưa ra những sản xuất phù hợp, đặc biệt ở thị trường lớn. Ngoài ra giá nguyên vật liệu đầu vào, chủ yếu là gạo hiện đã giảm mạnh so với thời gian trước đây cũng là lợi thế giúp các đơn vị tự tin đưa ra các sản phẩm chất lượng cao nhưng giá bán cạnh tranh”.
Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp cho biết hiện nay giá gạo (nguyên liệu chính) được mua vào ở mức phổ biến 6.500 – 8.000 đồng/kg tùy loại, giảm khá mạnh so với năm ngoái và mức cao kỷ lục năm 2023 – đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gạo.
“Nguyên liệu chiếm trên dưới 70% giá thành sản xuất, nên khi giá nguyên liệu ổn định sẽ là lợi thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin mở rộng dây chuyền sản xuất, tăng cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các nước. Nhờ vậy thị trường xuất khẩu đối với bún, miến, bánh tráng, phở… của chúng ta trong thời gian tới sẽ thuận lợi”.
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh
Theo thống kê từ Cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 6-2025 ước đạt 700.000 tấn, giá trị đạt 364,4 triệu USD, đưa tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2025 đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỉ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu tăng 7,6%, nhưng giá trị lại giảm 12,2%. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng qua đạt 517,5 USD/ tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024, và giảm khá mạnh so với mức cao của năm 2023.