Giá dừa leo thang khắp châu Á

Giá dừa cao kỷ lục tại Việt Nam, Philippines, Thái Lan do biến đổi khí hậu và sâu bệnh khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua dừa tươi ở vườn đã chạm ngưỡng 180.000-210.000 đồng một chục (12 quả). Sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển và phân loại, giá bán lẻ có thể lên tới 25.000 đồng một trái đối với dừa loại 1. Hàng loại 2 có giá 140.000-170.000 đồng một chục.

Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T, cho biết doanh nghiệp đang phải thu mua với giá 200.000-220.000 đồng một chục (12 quả).

“Giá dừa tăng nhanh như giá vàng, mua hôm nay mai đã thấy đắt hơn, nhưng vẫn không đủ hàng,” ông ví von. Mỗi tuần, công ty ông xuất khoảng 7 container. Mỗi container hàng nặng 18 tấn, chứa 20.000 trái. Số lượng công ty đang bán ra chỉ đáp ứng hai phần ba đơn hàng.





Giá dừa tăng vọt khắp châu Á, hàng Việt tăng nhanh như vàng

Công nhân nhà máy dừa đi thu mua hàng tại Bến Tre. Ảnh: Vina T&T

Không chỉ Việt Nam, các nước trồng dừa chủ lực như Sri Lanka, Philippines và Thái Lan cũng đang đối mặt với tình trạng sản lượng sụt giảm do thời tiết cực đoan và dịch sâu bệnh lan rộng. Mức giá dừa tại các quốc gia này đang tăng 50-100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Thái Lan, ở các khu vực như Bangkok và Chiang Mai, cuối tháng 4, giá dừa tươi dao động từ 1,45 đến 2,9 USD mỗi kg (tương đương khoảng 49,74 đến 99,48 THB một kg). Cùng thời điểm, giá dừa tươi tại Philippines cũng đang ở mức cao do nguồn cung giảm và nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Giá bán buôn dao động từ 0,4 đến 0,7 USD mỗi kg, trong khi giá bán lẻ tại các thành phố lớn như Manila và Quezon từ 2,68 đến 4,28 USD mỗi kg (khoảng 149-238 peso mỗi kg). Hiện, mỗi trái dừa có trọng lượng 1-2kg (tuỳ loại).

Giá dừa tăng mạnh trên diện rộng do thời tiết cực đoan kéo dài, gây khan hiếm nguyên liệu và căng thẳng chuỗi cung ứng. El Nino gây hạn hán, trong khi La Nina mang mưa lớn và bão trái mùa tại các vùng trồng dừa chủ chốt như Philippines, Thái Lan và Sri Lanka. Dịch sâu bệnh lan rộng, làm suy giảm năng suất tại các quốc gia cung cấp nguyên liệu thô, trong khi nhu cầu từ các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ tăng cao, càng đẩy giá dừa lên.

Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu gặp khó, dừa Việt Nam đang khẳng định lợi thế nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt, với kim ngạch sang Mỹ và Trung Quốc cùng bứt phá. Việt Nam là nhà xuất khẩu dừa lớn thứ năm thế giới với diện tích trồng khoảng 200.000 ha, sản lượng ước đạt 2 triệu tấn mỗi năm. Một phần ba diện tích đã đạt chuẩn hữu cơ theo yêu cầu từ Mỹ và EU.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó, riêng dừa tươi đóng góp 390 triệu USD. Hàng dừa Việt đã hiện diện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất.

Kể từ tháng 8/2023, khi Mỹ chính thức mở cửa cho dừa Việt, lượng xuất khẩu đã tăng gấp 11 lần chỉ sau chưa đầy một năm. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất sang Mỹ đã tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ Mỹ, Trung Quốc cũng nhanh chóng trở thành thị trường trọng điểm của dừa Việt Nam. Sau khi hai nước ký kết nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch vào tháng 8/2024, lượng hàng sang Trung Quốc đã bứt tốc. Nước này tiêu thụ khoảng 4 tỷ quả dừa mỗi năm, trong đó 2,6 tỷ quả là dừa tươi. Hiện Việt Nam chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu dừa của Trung Quốc và là nhà cung cấp lớn thứ ba.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dừa Việt có hương vị đặc trưng, dễ bảo quản và thuận tiện vận chuyển, rất được ưa chuộng tại Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt vào mùa hè. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể chế biến đa dạng thành dừa khô, nước dừa đóng hộp, sữa dừa hoặc nguyên liệu mỹ phẩm. Với những lợi thế đó, ông dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm nay có thể chạm mốc 500 triệu USD, trở thành điểm sáng mới của ngành nông sản Việt Nam.

Thi Hà