Gần 1.900 cán bộ, công chức từ Trà Vinh và Bến Tre cũ đến trung tâm Vĩnh Long làm việc nhưng chỉ khoảng 30% có chỗ ở tạm thời, số còn lại được đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà và đi lại.
Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long ngày 9/7, cho biết đã trình phương án cải tạo, sửa chữa nhà công vụ, ký túc xá và xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho 1.895 cán bộ, công chức, viên chức từ hai tỉnh cũ là Bến Tre, Trà Vinh sau khi sáp nhập.
Trong số này, có 266 trường hợp là lãnh đạo cấp phó giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc diện được bố trí nhà công vụ. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới chỉ có thể sắp xếp chỗ ở cho 114 người.
Sở Xây dựng đang tiến hành cải tạo ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm (cũ) trên đường Nguyễn Huệ và nhà công vụ trên đường Phan Đình Phùng để bố trí thêm cho 67 người. Dù vậy, vẫn còn thiếu chỗ cho 85 trường hợp lãnh đạo.
Với nhóm 1.629 cán bộ còn lại, nhu cầu nhà lưu trú hiện rất lớn trong khi khả năng đáp ứng hạn chế. Các cơ sở như Nhà khách Công đoàn, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân chỉ bố trí được cho 76 người. Bảy cơ sở khác được đề xuất cải tạo, dự kiến đáp ứng thêm cho 329 trường hợp. Như vậy, vẫn còn thiếu nơi ở cho khoảng 1.224 người.

Khu chung cư tại phường Tân Hạnh, tỉnh Vĩnh Long dự kiến làm nhà công vụ cho cán bộ từ Bến Tre, Trà Vinh (cũ) đến ở để làm việc sau sáp nhập. Ảnh: Vĩnh Nam
Do đó, Sở Xây dựng đề xuất hai phương án hỗ trợ chỗ ở và chi phí đi lại cho cán bộ sau sáp nhập. Phương án 1, nhóm lãnh đạo cấp sở được miễn tiền thuê nhà công vụ trong 3 năm đầu (chỉ thu tiền điện, nước), sau đó thu 50% theo đơn giá quy định. Trường hợp không có nhà công vụ, ngân sách sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng trong 3 năm và bố trí xe đưa đón riêng phục vụ công tác.
Với cán bộ còn lại, nếu được bố trí nhà lưu trú sẽ được miễn phí thuê trong 3 năm, sau đó thu 50% mức giá thuê nhà bình quân tại chung cư. Trường hợp không đủ chỗ ở, tỉnh hỗ trợ một triệu đồng mỗi người mỗi tháng trong 3 năm, đồng thời tổ chức xe đưa rước tập trung mỗi tuần một chuyến. Ai tự túc phương tiện sẽ được thanh toán chi phí theo định mức.
Phương án 2, tỉnh hỗ trợ bằng 50% mức phụ cấp lưu trú theo quy định của Bộ Tài chính, tương đương 3,3 triệu đồng mỗi tháng trong 3 năm cho nhóm lãnh đạo cấp sở. Với các cán bộ khác, mức hỗ trợ là 30% phụ cấp lưu trú, tương đương 2,2 triệu đồng mỗi tháng.
Tỉnh Vĩnh Long đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chính sách hỗ trợ chính thức.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng cũng vừa đề nghị UBND tỉnh lập kế hoạch xây khoảng 500 căn nhà công vụ trên đường Lê Thanh Nghị làm chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Gia Lai cũ đến làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai mới. Dự kiến, đến năm 2026 tỉnh sẽ hoàn thành.
Theo ông Dũng, thời gian qua nhiều cán bộ từ Gia Lai cũ chuyển về trung tâm hành chính mới ở Quy Nhơn (Bình Định cũ) phải thuê phòng trọ, ở ghép 4-5 người, kèm theo con nhỏ, điều kiện sinh hoạt rất vất vả. “Trường hợp cán bộ không có điều kiện mua nhà ở xã hội thì cần được bố trí nhà công vụ phù hợp”, ông Dũng nói.
Quỹ nhà ở xã hội hiện nay của Bình Định cũ còn khoảng 600 căn, sẽ ưu tiên bán cho cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Gia Lai cũ chuyển đến làm việc tại trung tâm hành chính mới. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2026 có thêm 5.000 căn hộ để phục vụ nhu cầu mua, thuê mua của người dân.
Trước khi sáp nhập, tỉnh Bình Định (cũ) đã đầu tư 20 tỷ đồng cải tạo Nhà khách Thanh Bình ở phường Quy Nhơn thành nhà công vụ, phục vụ cán bộ lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũ chuyển đến. Thời gian qua tỉnh Bình Định cũ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 12.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Hiện có hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh Gia Lai cũ đang làm việc tại trung tâm hành chính mới ở Quy Nhơn, trong đó phần lớn đã đăng ký nhu cầu mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, thuận tiện công tác.
An Bình