EU muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước ngày 9/7

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước 9/7, sau “cuộc trao đổi tốt đẹp” giữa lãnh đạo hai nền kinh tế.

Thông tin được người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ngày 7/7, sau khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một “cuộc trao đổi tốt đẹp”.

“Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ. Chúng tôi muốn tránh các mức thuế. Chúng tôi muốn có một kết quả đôi bên cùng có lợi, chứ không phải hai bên cùng chịu thiệt”, người phát ngôn EC nói thêm trong họp báo thường kỳ.

Trên CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng xác nhận việc đàm phán với Liên minh châu Âu đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về những đột phá đáng kể trong đàm phán được hai bên công bố.





Cargo ship Cosco Shipping Gemini of Chinese shipping company Cosco is loaded at the container terminal Tollerort in the port in Hamburg, Germany, October 25, 2022. REUTERS

Tàu chở hàng ‘Cosco Shipping Gemini’ của công ty vận tải Trung Quốc ‘Cosco’ đang tải hàng tại cảng Hamburg, Đức, ngày 25 tháng 10 năm 2022. Ảnh: Reuter

Theo Hội đồng châu Âu (EC), Mỹ – EU là một trong những mối quan hệ thương mại quan trọng nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng thương mại hàng hóa toàn cầu. Những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất gồm dược phẩm, phương tiện giao thông đường bộ và sản phẩm từ dầu mỏ.

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và EU vào khoảng 1.680 tỷ euro (1.980 tỷ USD). EU ghi nhận thặng dư 198 tỷ euro về hàng hóa, nhưng lại thâm hụt khoảng 148 tỷ euro trong dịch vụ. Điều này đồng nghĩa khối này thặng dư thương mại khoảng 50 tỷ euro so với Mỹ.

Trước đó, đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế đối ứng 20% với EU, bên cạnh thuế chung với phần lớn hàng hóa là 10%. Riêng xe hơi và phụ tùng xe hơi là 25% và nhôm, thép chịu 50%. Thuế đối ứng sau đó được tạm hoãn 90 ngày, hạn chót vào 9/7. Tuy nhiên, ông Trump mới đây cho biết lùi áp dụng đến ngày 1/8.

Theo Reuters, EU đang bị chia rẽ giữa hai lựa chọn: hoặc thúc đẩy một thỏa thuận thương mại nhanh chóng và giới hạn, hoặc tận dụng sức mạnh kinh tế của khối để đàm phán một kết quả có lợi hơn.

Cuối tuần qua, bà von der Leyen đã có cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy. Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhấn mạnh phải nhanh chóng đạt được một thỏa thuận để bảo vệ các ngành công nghiệp dễ bị tổn thương bởi thuế cao, từ ôtô đến dược phẩm.

Nghiên cứu của tổ chức tư vấn Bruegel trụ sở tại Brussels dự báo nếu không đạt được thỏa thuận và Tổng thống Trump áp thuế 10% đến 25% với hàng hóa châu Âu, EU sẽ mất 0,3% GDP, trong khi GDP của Mỹ có thể giảm tới 0,7%.

Các chuyên gia dự báo do sự phức tạp của một số vấn đề, hai bên có thể chỉ đạt được một thỏa thuận khung trước thời hạn 9/7. Trong trường hợp đó, mức thuế cơ bản 10% cùng với thuế áp lên ôtô, thép và nhôm nhiều khả năng vẫn giữ nguyên cho đến khi các điều khoản chi tiết được hoàn tất.

Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg (Đức) dự báo kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Mỹ sẽ rút lại những đe dọa áp thuế nặng nhất. Nhưng theo ông “con đường đi đến đó có thể không suôn sẻ”.

Phiên An (theo Reuters, AP)