Dùng nòng đại bác chế thiết bị vận hành nhà máy nước sau ngày thống nhất

Sau 30/4/1975, thiếu thiết bị, các kỹ sư dùng cao su đệm xích xe thiết giáp, nòng đại bác chế tạo linh kiện vận hành nhà máy nước cung cấp cho hàng triệu dân TP HCM.

Ngày giữa tháng 4, ông Trần Văn Nhiếp, 84 tuổi, bồi hồi khi thăm lại nhà máy nước Thủ Đức ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức – nơi ông đã gắn bó từ khi còn thanh niên đến lúc tuổi lục tuần. Trong 38 năm làm việc tại đây, ký ức về khoảng thời gian nhà máy sau ngày thống nhất 50 năm trước in sâu trong trí nhớ của ông.

Sau tiếp quản vào ngày 30/4/1975, hiện trạng các công trình xử lý nước của nhà máy nước Thủ Đức vẫn nguyên vẹn. Ông Nhiếp từ trưởng phòng thí nghiệm được bổ nhiệm lên trưởng phòng điều hành, để quản lý nhà máy.





Ông Trần Văn Nhiếp kể lại khoảng thời gian làm việc tại nhà máy nước Thủ Đức sau 1975. Ảnh: Đình Văn

Ông Trần Văn Nhiếp kể lại khoảng thời gian làm việc tại nhà máy nước Thủ Đức sau 1975. Ảnh: Đình Văn

Bấy giờ, nhà máy nước Thủ Đức là nơi xử lý nước lớn nhất Đông Nam Á do Mỹ xây dựng, cung cấp đến 90% nước sạch cho hơn 4 triệu dân thành phố. Để xử lý, lọc nước sạch, nhà máy phải phụ thuộc hoàn toàn vào các loại hóa chất nhập từ Mỹ. Trong đó có ba loại chính là phèn, clo và vôi. Tuy nhiên, sau 30/4/1975, nguồn cung hóa chất để lọc nước bị đứt gãy còn nguyên liệu trong kho đủ dùng 1-2 tháng.

Theo quy trình, nước lấy từ sông Đồng Nai sẽ bơm vào 5 bể lắng dài 140 m chứa tổng cộng 65.000 m3, sau đó dùng phèn hoà tan để kết tủa bông cặn, chất dơ dưới đáy. Bước xử lý đầu tiên này giúp loại bỏ 80% tạp chất và tạo độ trong cho nước. Kế tiếp, nước được bơm qua bể chứa, dùng Clo để khử khuẩn, vi sinh. Bước cuối cùng là dùng vôi để trung hoà độ axit, nâng độ pH trong nước từ 6.3-6.5 lên 8.0 đạt tiêu chuẩn cho người sử dụng.

Nhớ lại ngày đó, ông Nhiếp kể khi không có đủ lượng phèn để xử lý, các bể lắng tại nhà máy bắt đầu mọc đầy rong rêu. Qua vài tuần, chúng làm nghẽn cả đường ống máy bơm qua bể lọc còn cá bơi đầy dưới nước. “Có lúc thiếu đồ ăn, công nhân chỉ cần ra bể lắng câu là có đủ cá để dùng”, ông Nhiếp nói.





Ảnh chụp từ trên cao nhà máy nước Thủ Đức thời điểm mới vận hành năm 1966. Phía bên trái là 5 bể lắng chứa nước bơm từ sông Đồng Nai vào nhà máy xử lý trước khi qua bể lọc bên trái.

Nhà máy nước Thủ Đức thời điểm mới vận hành năm 1966, bên trái là 5 bể lắng chứa nước bơm từ sông Đồng Nai vào để xử lý. Ảnh: Tư liệu

Để giải quyết việc thiếu hụt phèn, nhà máy phải nhập từ bên ngoài hoặc lấy ở nơi điều chế bằng cách nấu những phần xác máy bay bằng nhôm với axit. Nhưng loại phèn này không những chất lượng thấp mà còn có kích thước quá lớn.

Trước đó, nhà máy sử dụng loại hạt phèn chỉ to bằng đầu ngón tay út để cho vào máy đưa xuống phễu hoà tan trong nước theo tỉ lệ được định tính sẵn. Nhưng khi gặp phải loại phèn lại bằng quả na máy móc không thể hoạt động, khiến các công nhân phải tốn nhiều công sức đập vụn, hòa tan vào nước bằng cách thủ công.

Với Clo – thành phần xử lý nước quan trọng nhất, trưởng phòng điều hành ngày đó phải đi xe quãng đường gần 1.800 km từ TP HCM ra Việt Trì để lấy hàng. Thiếu nguồn cung, mỗi lần ông đi ra tới nơi phải chờ một tháng để gom đủ số lượng chất đầy một xe tải mới chở về nhà máy. Có lúc không còn hoá chất để lọc nước, ông Nhiếp phải áp dụng phương pháp phản ứng hoá học, lấy muối điện phân để cho ra NaOH và Clo. Nhưng lượng Clo thu được lại có nồng độ rất thấp, chỉ là giải pháp tình thế.

Không chỉ cạn kiệt nguồn hoá chất để xử lý nước, nhà máy lúc này còn lâm vào cảnh thiếu linh kiện để sửa chữa máy bơm, duy trì hoạt động do trước đó máy móc, thiết bị tại nhà máy đều lấy từ Mỹ. Làm việc trong khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Văn Hoà, 67 tuổi, nguyên Quản đốc phân xưởng bảo trì sửa chữa vẫn nhớ những tình cảnh dở khóc dở cười khi phải dùng cao su lấy từ bánh xích xe tăng, cưa nòng đại bác để sửa máy móc.

Khi đó, nước được lấy từ trạm bơm sông Hoá An về nhà máy nước Thủ Đức cần đến 11 máy bơm 1.500-2.250 mã lực để vận chuyển giữa hai nơi. Các máy bơm phải được thay thế định kỳ bộ phận coupling – khớp nối giữa trục máy bơm và động cơ để máy hoạt động ổn định. Thiết kế này bằng thép có hình tròn, đường kính nửa mét.

Nhưng sau năm 1975, linh kiện mới không được nhập về còn phụ tùng trong kho đã cạn kiệt nên ông Hoà phải cưa nòng đại bác thành từng đoạn nhỏ rồi chế lại để thay thế coupling. Các máy bơm lâu dần cũng bị hỏng cao su đệm ở khớp nối trục, khi vận hành chúng bị rung lắc. Tổ cơ khí phải lấy cao su đệm của bánh xích xe thiết giáp cắt ra theo hình dạng tương tự để lắp vào máy. Còn một số chi tiết không có cách khác để thay thế như cánh máy bơm, tổ cơ khí lúc đó phải cắt nhiều cánh bơm cũ rồi đưa thợ đúc lại.

Trong chuỗi năm tháng phải chật vật tìm thiết bị thay thế, sửa chữa cho nhà máy, lần ông Hòa nhớ nhất là làm các miếng shoe còn gọi là bạc đạn đỡ cho động cơ 2.250 HP của máy bơm nước sông. Bộ phận bằng thép có hình chữ nhật được uốn cong đóng vai trò rất quan trọng, cần được thay mới để động cơ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong kho của nhà máy chỉ còn những miếng shoe đã qua sử dụng, bị oxit hóa nên chỉ còn cách tận dụng đồ cũ. Do là thiết kế cần độ chính xác rất cao nên ông phải lấy những miếng cũ, mài đi mài lại nửa tháng mới xong.

“Ngày đó, máy móc, thiết bị cái gì cũng phải nghĩ ra cách chế tạo hoặc dùng lại đồ cũ để chữa cháy chứ không còn cách nào khác”, ông nói.

Ông Trần Thái Nguyên, Giám đốc nhà máy nước Thủ Đức cho biết, từ khi chính thức hoạt động vào tháng 12 năm 1966, nhà máy trải qua 5 giai đoạn hoạt động và phát triển. Từ 1975-1986, khi trong thời kỳ bao cấp và đang bị cấm vận là giai đoạn khó khăn nhất của nhà máy để duy trì hoạt động. Lúc này, mọi hoạt động bảo trì sửa chữa cũng như thay thế do hư hỏng của máy móc thiết bị tại nhà máy đều gặp khó khăn, phụ tùng không thể nhập được từ nước ngoài trong khi hoá chất xử lý nước cũng thiếu nguồn cung.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên giai đoạn đó với tinh thần khắc phục khó khăn đã tự nghiên cứu gia công, chế tạo các vật tư phụ tùng thay thế để đảm bảo việc cấp nước an toàn liên tục cho người dân thành phố. Từ cuối năm 1986 sau khi có chính sách đổi mới, nhà máy đã được nhập khẩu các máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế từ đó hoạt động sản xuất của nhà máy được phát triển và thuận lợi hơn.

Sau 50 năm, nhà máy đã nâng công suất sản xuất nước sạch từ 350.000-400.000 m3/ngày lên 750.000 m3/ngày để phục vụ người dân. Trong kế hoạch 5 năm tới sẽ nâng công suất lên 900.000 m3/ngày, tiếp tục hiện đại các công đoạn trong quy trình xử lý nước, nâng cấp hệ thống vận hành tự động để xứng đáng là nhà máy xử lý, sản xuất nước sạch có công suất lớn nhất của cả nước hiện nay.

Đình Văn