Đồng Tháp sẽ có cảng biển đón tàu 70.000 tấn

Tỉnh Đồng Tháp dự kiến đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng phát triển 12 cảng biển, nâng cấp luồng tuyến, hướng đến năm 2030 có thể đón tàu trọng tải 70.000 tấn hoặc lớn hơn.

Ngày 8/7, Sở Xây dựng Đồng Tháp cho biết quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển địa phương vừa được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Theo đó, khu vực Gò Công và Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang cũ) sẽ hình thành 6 cảng với 15-16 cầu cảng, công suất tiếp nhận từ 5,1-6,6 triệu tấn hàng hóa và khoảng 50.000-56.000 lượt khách mỗi năm.

Các cảng chính gồm: tổng hợp Gò Công, dầu khí Soài Rạp Nam sông Hậu Petro, xăng dầu Soài Rạp – Hiệp Phước, phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang, Bình Đông và Mỹ Tho. Các cảng có khả năng tiếp nhận tàu 5.000-70.000 tấn, phục vụ hàng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng và khí.





Một góc phường Mỹ Tho trên sông Tiền. Ảnh: Thường Sơn

Một góc phường Mỹ Tho trên sông Tiền. Ảnh: Thường Sơn

Tại khu vực thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu (thuộc Đồng Tháp cũ), quy hoạch bổ sung 6 cảng với 8-9 cầu cảng, dự kiến tiếp nhận 2-2,4 triệu tấn hàng hóa và khoảng 54.000-58.000 lượt khách mỗi năm. Các cảng gồm: Đồng Tháp, xăng dầu Đồng Tháp, Sa Đéc, Thường Phước 1, Thường Phước 2 và Lấp Vò. Khả năng tiếp nhận tàu từ 5.000 đến 10.000 tấn.

Tổng vốn đầu tư hệ thống cảng trên địa bàn Đồng Tháp đến năm 2030 hơn 5.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 600 ha đất liền và hơn 32.800 ha mặt nước. Đồng thời, tỉnh sẽ cải tạo và nâng cấp các luồng Soài Rạp, Vàm Cỏ và luồng sông Tiền để đồng bộ với hệ thống cảng.

Từ ngày 1/7, Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, trung tâm hành chính đặt tại TP Mỹ Tho. Địa phương có hơn 5.900 km2 diện tích, 4,3 triệu dân và 32 km đường bờ biển.

Hoàng Nam

.