Đón bình thường mới từ ‘hưu chiến’ thuế quan

thuế quan - Ảnh 1.

Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng đàm phán thuế quan với Mỹ cũng sẽ tích cực sau khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hạ nhiệt – Ảnh: Q.A.

Mỹ – Trung đang ở giai đoạn “hưu chiến”, tạm dừng gia tăng sức ép lẫn nhau, thậm chí có bên còn đưa tín hiệu xuống thang, nhưng thương chiến vẫn còn đó. Tuy vậy các doanh nghiệp (DN), cả DN Việt, vẫn đang kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực từ giai đoạn “hưu chiến” này. 

Đặc biệt với DN Việt đang hướng đến kết quả từ cuộc đàm phán song phương Mỹ – Việt trong thời gian tới với hy vọng thuế sẽ giảm sâu sau giai đoạn hoãn 90 ngày.

Nếu thương chiến hạ nhiệt…!

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty TNHH may mặc Dony, nhìn nhận tích cực về sự bắt tay giảm thuế giữa Mỹ – Trung, cho rằng điều này giúp DN Việt Nam giảm bớt áp lực từ các yếu tố liên quan đến Trung Quốc. 

Ông kỳ vọng sự hạ nhiệt không chỉ tạo điều kiện cho thương mại song phương giữa hai nước mà còn tạo tiền đề thuận lợi cho các cuộc đàm phán với những quốc gia khác bao gồm Việt Nam.

Trên quan điểm tương tự, ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, nhận định nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể dần quay lại trạng thái ổn định. 

Ông đánh giá đây có thể là bước chuyển mang tính dài hạn, khi chính quyền của ông Trump có thể đang điều chỉnh lại chính sách theo hướng phù hợp và bền vững hơn.

Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng động thái “giảm nhiệt” thương chiến giữa hai siêu cường cho thấy cả hai đang điều chỉnh chiến lược quan hệ theo hướng ổn định, giảm đối đầu. 

“Việc hạ nhiệt căng thẳng Mỹ – Trung không chỉ giúp giảm nguy cơ ách tắc nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có Việt Nam”, ông Giang nhận xét.

Nhiều DN tại TP.HCM cũng chia sẻ rằng sự ổn định trong quan hệ thương mại giữa hai siêu cường sẽ giúp các DN xuất khẩu Việt Nam bớt rủi ro. 

Tuy nhiên, sự ổn định này cũng đi kèm thách thức khi Trung Quốc được giảm thuế và tiếp cận thị trường Mỹ thuận lợi hơn, có thể khiến hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh với hàng xuất khẩu Việt Nam.

thuế quan - Ảnh 2.

Thích ứng với bình thường mới

Trước những thay đổi khó lường của thị trường thương mại toàn cầu, giới chuyên gia và lãnh đạo DN cho rằng cần chuẩn bị các chiến lược dài hạn, thay vì chỉ trông chờ vào các thỏa thuận tạm thời.

Ông Trần Như Tùng, với vai trò phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh trong bối cảnh bình thường mới, DN cần tích cực đẩy mạnh các chiến lược mang tính bền vững, đặc biệt đa dạng hóa cả đầu vào lẫn đầu ra.

“DN cần chủ động tìm kiếm và mở rộng nguồn cung nguyên liệu, nhất là phát triển vùng nguyên vật liệu trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Với nguyên liệu từ Trung Quốc, cần đảm bảo minh bạch về nguồn gốc, kê khai rõ ràng để giảm rủi ro bị kiểm tra xuất xứ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang cho biết mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng Mỹ hiện vẫn duy trì nhiều chính sách kiểm soát nghiêm ngặt đối với nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến bông Tân Cương. 

“Nếu không kiểm soát tốt chuỗi cung ứng nguyên liệu, DN Việt Nam có thể gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận thị trường Mỹ”, ông Giang cảnh báo.

Trong bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu tiếp tục biến động, ông Giang nhấn mạnh Việt Nam cần kiên định với chiến lược phát triển đã được hoạch định: đa dạng hóa trên cả ba phương diện – thị trường, đối tác và sản phẩm. 

“Hiện ngành dệt may Việt Nam đã hiện diện tại 138 thị trường toàn cầu, trải dài khắp các châu lục. Việc không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường hay đối tác nào giúp chúng ta hạn chế tác động từ những cú sốc chính sách đột ngột. 

Đồng thời việc đa dạng hóa sản phẩm cũng giúp DN nâng cao năng lực thích ứng, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu đa dạng của từng khu vực”, ông Giang phân tích.

Theo ông, chính nhờ sự chuẩn bị chiến lược từ sớm mà ngành dệt may Việt Nam đã tránh được thế bị động trước các cú sốc lớn như đại dịch COVID-19 hay những thay đổi chính trị tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Chuyển đổi xanh để đi xa hơn

“Thuế là lưỡi dao trước mắt, nhưng ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) mới là trận địa dài hạn” – ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhấn mạnh. Theo ông, 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chưa đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc “từ sợi trở đi” – tiêu chuẩn đang ngày càng phổ biến tại Mỹ và châu Âu.

Ông Việt đề xuất TP.HCM cần đi đầu hình thành mô hình “khu công nghiệp thời trang xanh” quy tụ các nhà máy đạt chuẩn ESG, trung tâm kiểm định chất lượng, hệ thống logistics hiện đại và dịch vụ tài chính carbon. Đây sẽ là nền tảng để ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.