Doanh nghiệp và những bài học thực tiễn trên hành trình xanh

bền vững - Ảnh 1.

Các khách mời thảo luận chuyên sâu trong số podcast đầu tiên của Việt Nam Xanh, xoay quanh giải pháp thực thi kinh tế tuần hoàn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Xanh” giữa trăm bề khó

Là một trong những hệ thống bán lẻ cao cấp đầu tiên tại Việt Nam tiên phong thực hiện các chính sách xanh, Annam Gourmet từng đối mặt với không ít phản ứng trái chiều khi tiên phong “đi trước thị trường”.

Bà Wei Nguyễn, cựu trưởng phòng truyền thông của Annam Gourmet, chia sẻ: “Năm 2018, khi Annam Gourmet quyết định loại bỏ túi ni lông dùng một lần và thay thế bằng túi giấy có thu phí, rất nhiều khách hàng phản ứng gay gắt. Họ so sánh với nơi khác vẫn phát túi miễn phí và cảm thấy phiền toái”.

Thế nhưng theo bà, mục tiêu của Annam Gourmet không phải là bán túi giấy, mà bán một thói quen mới, một nếp nghĩ khác về tiêu dùng.

Doanh nghiệp kỳ vọng mỗi lần khách hàng phải “trả giá” cho chiếc túi, là một lần họ cân nhắc đến việc mang theo túi riêng, từ đó tạo nên sự thay đổi trong hành động.

Chiến lược gây tranh cãi ấy, sau 6 năm, đã mang lại kết quả ấn tượng: hơn 9,4 triệu túi ni lông không còn xuất hiện trên hệ thống.

Doanh nghiệp và những bài học thực tiễn trên hành trình xanh - Ảnh 2.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã có các chương trình thúc đẩy thói quen mang theo túi cá nhân khi mua sắm ở người tiêu dùng – Ảnh: Annam Gourmet

Không chỉ dừng lại ở túi ni lông, doanh nghiệp đồng thời triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng xanh như thu gom vỏ chai thủy tinh, lon nhựa, nhôm, pin cũ, Nespresso pods (bã viên cà phê)… khuyến khích khách hàng phân loại rác tại nguồn.

Bước sang năm 2024, bà Wei Nguyễn cho hay Annam Gourmet tiếp tục nâng cấp “cuộc chơi xanh” bằng hai chiến lược mạnh tay: triển khai hệ thống điện mặt trời tại cơ sở vận hành và đưa xe điện vào vận chuyển hàng hóa nhằm giảm phát thải.

Nhìn lại hành trình, đại diện thừa nhận: “Đây là con đường không dễ đi. Đơn cử như tìm được một đối tác tái chế đáng tin cậy hay việc thu gom vỏ chai, bao bì cũng vướng nhiều rào cản về logistics”.

Dù vậy, bà vẫn tin rằng những nỗ lực đơn lẻ, khi tích lũy đủ lâu, sẽ tạo ra chuyển biến. Tuy nhiên, để hành trình xanh hóa thực sự đi xa và bền vững, cần có sự tham gia rộng rãi của nhiều bên.

“Nếu chỉ vài doanh nghiệp đơn độc hành động, trong khi phần lớn vẫn đứng ngoài cuộc, thì rất khó để tạo ra thay đổi mang tính hệ thống”, bà nhấn mạnh.

Ở góc nhìn bao quát hơn, ông Nguyễn Gia Huy Chương, giám đốc điều hành PRO Việt Nam, nhận định: xanh hóa không thể là cuộc độc hành của doanh nghiệp, mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách, hạ tầng và cộng đồng.

Quan trọng hơn, toàn bộ dữ liệu cần được công khai và kiểm toán độc lập, thể hiện tinh thần “nói thật – làm thật” mà thị trường hiện đại đòi hỏi.

“Chỉ những thương hiệu dám hành động thực chất, dám đo lường hiệu quả thực, thì mới đủ sức giữ chân người tiêu dùng và thu hút được đầu tư quốc tế”, ông Chương nhấn mạnh.

Rút ngắn khoảng cách giữa “biết” và “làm”

Trong một nghiên cứu khảo sát năm 2024 về “Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam” do PRO Việt Nam phối hợp cùng đơn vị nghiên cứu thị trường TGM thực hiện cho thấy có đến 68% người trẻ từ 15 đến 24 tuổi bày tỏ mối quan tâm đến tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoảng cách giữa điều họ “biết” và cách họ “làm” vẫn còn rất xa.

Theo ông Chương, việc thay đổi hành vi không thể được thực hiện chỉ với những khẩu hiệu. Thay vào đó, cần khơi nguồn cảm hứng bằng những câu chuyện thật, gần gũi, dễ hiểu và gắn liền với đời sống hằng ngày.

Doanh nghiệp và những bài học thực tiễn trên hành trình xanh - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Gia Huy Chương – giám đốc điều hành PRO Việt Nam – cho rằng để xanh hóa, không thể chỉ hô hào hành động, mà phải truyền cảm hứng bằng những câu chuyện thật, gần gũi để mỗi người thấy mình đang góp phần tạo ra thay đổi – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Người tiêu dùng sẽ không hành động nếu họ cảm thấy mình đang đứng ngoài cuộc. Chỉ khi mỗi cá nhân nhận ra rằng hành động của mình đang góp phần tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, thì hành vi xanh mới có cơ hội hình thành và lan rộng”, ông nhấn mạnh.

Từ thực tiễn hoạt động, ông Chương cho biết PRO Việt Nam hiện đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào quá trình thu gom – tái chế thông qua:

Thứ nhất, liên minh đồng hành, tham gia đóng góp xây dựng chính sách với Bộ Nông nghiệp và Môi trường với mong muốn từng bước chính thức hóa vai trò của lực lượng thu gom tự do, nhấn mạnh vai trò của họ trong chuỗi giá trị.

Thứ hai, cần có những chính sách triển khai thùng rác phân loại tại các địa điểm công cộng, thu gom. Từ đó giúp nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho hành vi phân loại được thực hiện một cách dễ dàng, thay vì chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi.

Thứ ba, ông cho rằng phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía chính quyền địa phương thông qua chế tài cụ thể: “Nếu vi phạm môi trường không bị xử lý, còn nếu làm đúng lại gây thêm khó khăn, tốn kém, thì rất khó để xã hội chọn cách làm đúng”.

Một ví dụ thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh được đại diện dẫn chứng là chiến dịch cá nhân hóa túi tái sử dụng do Annam Gourmet tổ chức.

Khi người trẻ được mời vẽ lên từng chiếc túi vải như một tuyên ngôn về lối sống có trách nhiệm, thì hành vi “xanh” không còn là thứ gượng ép, mà trở thành một phần bản sắc cá nhân, tự nhiên và bền vững hơn.

“Chúng ta có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: chiếc túi vải hay một vỏ hộp sữa được tái chế đúng cách. Khi cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền cùng hành động thì kinh tế tuần hoàn mới có thể lan tỏa sâu rộng và bền vững”, ông Chương khẳng định.

Podcast Việt Nam Xanh là chuỗi chương trình nằm trong khuôn khổ dự án Việt Nam Xanh do báo Tuổi Trẻ và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với các đơn vị phối hợp tổ chức. Mỗi tập podcast hứa hẹn mang đến những sáng kiến thiết thực, câu chuyện truyền cảm hứng nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng đến tiêu dùng bền vững.

Tiếp nối thành công của mùa 1, Việt Nam Xanh 2025 với chủ đề “Tiết giảm – Tái chế – Tái sử dụng” được tổ chức với nhiều hoạt động xuyên suốt trong năm, từ các hội thảo, tọa đàm, talk show, đến các tour tham quan doanh nghiệp xanh, cuộc thi Thử thách sống xanh, giải chạy bộ, Ngày hội Việt Nam xanh… thúc đẩy các hành động chung tay vì một môi trường sống bền vững hơn.