Doanh nghiệp nhà nước sẽ được đầu tư ngoài ngành, đại biểu lo rủi ro từ ‘món béo bở’

bất động sản - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Ảnh: Quochoi.vn

Một trong những băn khoăn được nêu ra đó là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần quan tâm tới việc cho phép các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản, tài chính…

Được đầu tư ngoài ngành nhưng phân loại lĩnh vực

“Lĩnh vực ngân hàng có cho phép đầu tư, kinh doanh bất động sản hay không, có cho phép đầu tư chứng khoán hay không? Tôi nói tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí của Việt Nam được quyền đầu tư vào bất động sản hay lĩnh vực kinh doanh về bất động sản?” – đại biểu Hòa đặt vấn đề.

Theo đại biểu, thời gian qua có một số công ty lớn đầu tư ngoài ngành thất thoát và đã có những trường hợp vướng vòng lao lý. Vì vậy, ông đề nghị cân nhắc nếu dự thảo luật cho phép những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành và làm rõ đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được phép đầu tư.

“Cần xem xét tùy lúc, tùy nơi, tùy điều kiện, doanh nghiệp nào được làm và doanh nghiệp nào không được làm chứ không phải chung chung là tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều được đầu tư bất động sản thì tôi nghĩ không nên, không hay, mà nên cho phép các doanh nghiệp đầu tư lớn của nhà nước được đầu tư” – ông Hòa nói.

Đại biểu này cũng nhắc lại trước đây một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp nhà nước thì không được kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp nào cũng không được đầu tư, mà cần dựa vào việc đảm bảo hiệu quả, hiệu suất lâu dài.

“Kinh doanh bất động sản hiện nay là một món “béo bở”, có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp cho những chi phí khác, rất cần thiết nhưng không phải ai cũng được” – ông Hòa nói.

Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp

Trước đó, trong báo cáo giải trình tiếp thu, ông Phan Văn Mãi – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội – cũng cho rằng tiếp thu các ý kiến, dự thảo đưa ra hướng “không quy định hạn chế đầu tư” trong dự thảo luật. Việc xin ý kiến trước khi quyết định cho thuê hoặc khai thác bất động sản là không tạo sự chủ động cho doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quan điểm này và đã chỉ đạo bổ sung điều 22 của dự thảo luật, quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa việc doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đầu tư ngoài ngành.

bất động sản - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng – Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cũng nói “phải có ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước”. Bởi doanh nghiệp nhà nước ngoài sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, họ phải gánh cả vấn đề an sinh xã hội.

Do đó có những lĩnh vực tư nhân không làm khi không thấy có lời thì doanh nghiệp nhà nước phải làm, như than, dầu khí, an ninh quốc phòng…

“Cần bỏ quan niệm cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì Nhà nước không làm”, ông nói thêm rằng kinh tế nhà nước là chủ đạo, nên doanh nghiệp khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thân lưu ý cần giao việc, lĩnh vực tham gia kinh doanh, đầu tư cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước. Điều này để tránh tình trạng doanh nghiệp thấy các lĩnh vực đầu tư có lời, như bất động sản, lại “nhảy” vào thì rủi ro. “Những việc doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia ngoài ngành phải được Chính phủ giao, có ý kiến của chủ sở hữu”, ông nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, quan điểm sửa luật lần này thay đổi, là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, quy định hiện hành là quản lý doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

Dự luật sửa lần này chỉ “quản” phần vốn nhà nước tham gia tại doanh nghiệp. “Khi Nhà nước đã góp vốn, hình thành tài sản của doanh nghiệp thì tôn trọng hoạt động của họ”, ông Thắng nói thêm rằng dự luật cũng bổ sung nhiều quy định tăng phân cấp, phân quyền cho chủ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.