Doanh nghiệp châu Âu nói kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn

Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh chụp ngày 23-6-2024 cho thấy những chiếc ô tô của Volkswagen được chất lên tàu tại cảng ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc – Ảnh: AFP

Theo báo New York Times ngày 28-5, các doanh nghiệp châu Âu, trong đó nhiều doanh nghiệp đã hoạt động tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đang cảm thấy ngày càng khó làm ăn tại đất nước tỉ dân vì “nhu cầu kinh tế yếu và các quy định không rõ ràng về kinh doanh”.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã nhanh chóng mất thị phần và phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làm ăn, trong khi đó các công ty dược phẩm và thiết bị hình ảnh y tế châu Âu cảm thấy họ bị loại khỏi phần lớn hệ thống y tế. Tháng 12 năm ngoái, hãng sản xuất ô tô Volkswagen (Đức) đã đồng ý bán nhà máy của họ ở khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.

Cuộc khảo sát doanh nghiệp hằng năm do Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc công bố ngày 28-5 cho thấy 73% (tức gần 3/4, đạt kỷ lục) cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Đây là năm thứ tư liên tiếp cuộc khảo sát cho thấy sự bi quan ngày càng tăng của các doanh nghiệp.

Kênh CNBC bình luận: “Các doanh nghiệp châu Âu chưa bao giờ bi quan đến vậy về Trung Quốc”.

Được biết các khoản đầu tư của châu Âu vốn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa công nghệ phương Tây đến Trung Quốc, và đưa sản phẩm Trung Quốc ra thị trường thế giới. Tuy nhiên tỉ lệ công ty châu Âu có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ có 38% (thấp kỷ lục) cho biết họ có ý định làm như vậy trong năm nay.

Phòng thương mại trên đại diện cho lợi ích của khoảng 1.700 công ty, từ những gã khổng lồ công nghiệp như Volkswagen đến các doanh nghiệp nhỏ có ít nhân viên, vốn là những “bánh răng” trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tỉ lệ doanh nghiệp châu Âu lo lắng về việc tiền lương phải trả tăng lên đã giảm mạnh trong vài năm qua, và hiện nay vấn đề này được xếp vào nhóm những lo ngại ít nhất của họ.

“Theo biên độ rộng, sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc được coi là có tác động lớn nhất” – ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, giải thích.

Cuộc khảo sát phản ánh những thách thức đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, từ khi lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2022 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Trong khi các thương hiệu nội địa ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, nhu cầu tiêu dùng nói chung tại Trung Quốc vẫn ảm đạm giữa khủng hoảng bất động sản và sự bất định trên thị trường việc làm.