Doanh nghiệp châu Âu ngày càng kém lạc quan về Trung Quốc

Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc hiện thấp thấp kỷ lục, chủ yếu do Bắc Kinh tăng trưởng chậm lại.

Ngày 28/5, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố khảo sát thường niên về môi trường kinh doanh tại đây. Theo đó, 73% thành viên tham gia khảo sát cho rằng kinh doanh tại Trung Quốc khó khăn hơn trong năm qua. Đây là mức cao kỷ lục.

“Các công ty đang cảm thấy bị siết chặt và rất bi quan. Nhưng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc vẫn rất hấp dẫn, buộc họ phải duy trì hiện diện tại thị trường này”, Jens Eskelund – Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết trước báo giới.

Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa niềm tin sẽ sớm quay trở lại. “Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu đảo chiều nào. Phần lớn vấn đề hiện nay xuất phát từ sự thiếu chắc chắn”, Eskelund nói.





Xe điện Audi E5 Sportback trong một sự kiện tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Xe điện Audi E5 Sportback trong một sự kiện tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Cuộc khảo sát cho thấy kể từ sau đại dịch, các thách thức với doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng nhiều. Thương hiệu nội địa tăng cường cạnh tranh, trong khi nhu cầu vẫn yếu do thị trường bất động sản ảm đạm và triển vọng việc làm bất ổn.

Doanh nghiệp mỹ phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngành này ghi nhận doanh thu năm 2024 giảm 45% so với năm trước đó. Ngược lại, doanh nghiệp hàng không và vũ trụ là hai lĩnh vực hiếm hoi cho rằng việc kinh doanh tại Trung Quốc hiện dễ dàng hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đang khiến Trung Quốc kém hấp dẫn so với các thị trường khác. Chỉ 12% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng sẽ có lợi nhuận tại đây trong hai năm tới. Tỷ lệ chọn Trung Quốc là điểm đầu tư hàng đầu trong tương lai cũng xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ 38% cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây năm tới.

Dù Bắc Kinh đã công bố nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp châu Âu cho rằng các trở ngại vẫn còn lớn. 63% cho biết đã bỏ lỡ cơ hội tại Trung Quốc do các rào cản về tiếp cận thị trường và quy định. Các công ty thiết bị y tế nói rằng chính sách mua sắm công tại nước này ưu tiên doanh nghiệp nội địa.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ khả năng cung cấp linh kiện chất lượng với giá rẻ nhất. Đây là yếu tố duy nhất giúp doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh, Eskelund nói.

Khi được hỏi về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hơn 25% doanh nghiệp cho biết đang tăng cường sản xuất tại Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. 10% đang xây chuỗi cung ứng thay thế ở nước ngoài, nhưng vẫn giữ mạng lưới hiện tại ở Trung Quốc. Gần một nửa doanh nghiệp cho biết nhà cung ứng Trung Quốc của họ đang chuyển hoạt động sang các thị trường khác.

Trong tháng 7, lãnh đạo Trung Quốc và EU dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ song phương, trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)